Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland nhấn mạnh cuộc đối thoại diễn ra "không ngừng nghỉ" và mang tính "xây dựng", xoay quanh nhiều vấn đề gai góc.
Trong bối cảnh Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về hiệp định này hồi tháng 8 vừa qua, sức ép ngày càng gia tăng đối với Canada. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump chủ trương đạt thỏa thuận sửa đổi NAFTA với Canada vào cuối tháng 9 tới, một phần là để kịp trình văn kiện này thông qua tại Quốc hội Mỹ trước khi chính quyền mới tại Mexico nhậm chức vào đầu tháng 12. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Freeland nhấn mạnh mục tiêu của Canada là đạt được một thỏa thuận tốt cho người dân Canada và Ottawa không cảm thấy áp lực trong vấn đề thời gian.
Hiện, Mỹ và Canada vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành chế biến sữa và một số điều khoản của NAFTA. Tuy nhiên, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định nước này sẽ tiếp tục bảo vệ ngành công nghiệp này. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại liên quan chính sách thuế của Tổng thống Trump là trở ngại khiến hai nước đồng minh lâu đời này không thể xích lại gần nhau trong cuộc đàm phán NAFTA. Ông Jerry Dias, Chủ tịch Unifor, nghiệp đoàn lớn nhất Canada trong lĩnh vực tư, cho rằng Canada có thể không nhất trí về thỏa thuận sửa đổi NAFTA với Mỹ nếu Washington tiếp tục đe dọa áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Canada và duy trì mức thuế đối với sản phẩm gỗ xẻ mềm, thép và nhôm.
Theo một số chuyên gia, nền kinh tế Canada sẽ bị thiệt hại nặng nề nếu Mỹ thay đổi chính sách thương mại. Hiện khoảng 20% thu nhập quốc gia của Canada là từ hoạt động cung cấp hàng hóa và dịch vụ sang thị trường Mỹ, đây cũng là điểm đến của lượng hàng hóa tương đương 76% tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Canada. Trong khi đó, nếu so với Canada hay Mexico, nền kinh tế Mỹ ít phụ thuộc trực tiếp hơn vào hoạt động ngoại thương.
HL (tổng hợp)