Đại hội có nhiệm vụ đánh giá những kết quả quan trọng mà Nghị quyết Đại hội VII, nhiệm kỳ 2013-2018 đã đề ra; đồng thời đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, phát huy vai trò chủ thể của hội viên trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; xây dựng Ninh Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với đồng chí Kiều Như Bổn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh xoay quanh vấn đề này.
* Phóng viên: Đồng chí cho biết những kết quả nổi bật qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII nhiệm kỳ 2013-2018?
|
- Đồng chí Kiều Như Bổn: Trong nhiệm kỳ qua, mặc dù hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, Hội luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, đoàn thể, các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt là sự năng động, đoàn kết, sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân (CBHVND); các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII đã đề ra. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) tiếp tục đổi mới, nâng cao về chất lượng mang lại niềm tin, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của CBHVND trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân. Công tác xây dựng tổ chức hội các cấp được tập trung, kịp thời và có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh đã phát triển mới 19.612 hội viên, đạt 116% chỉ tiêu, nâng tổng số lên 48.884 hội viên. Đội ngũ cán bộ Hội từng bước trưởng thành, có trình độ và bản lĩnh chính trị; chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường và phối hợp thực hiện có hiệu quả; công tác hòa giải, giải quyết khiếu nại tố cáo trong nội bộ nông dân được các cấp hội quan tâm.
Mô hình trồng lan công nghệ cao ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Văn Miên
Các phong trào nông dân từng bước được đổi mới đi vào chiều sâu, tập trung thực hiện chương trình, dự án phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã... Trong đó, các dự án kinh tế, khoa học do Hội đảm nhận thực hiện bước đầu có ý nghĩa tích cực, góp phần giúp nông dân nâng cao kiến thức, từng bước thay đổi phương pháp canh tác, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, góp phần ổn định đầu ra sản phẩm. Các hoạt động tín chấp tạo vốn, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất cho nông dân; hoạt động tham gia giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn cũng được quan tâm đẩy mạnh, góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào nông dân và hoạt động công tác Hội vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác tuyên truyền có lúc, có nơi chưa thường xuyên, chưa sâu kỹ. Chất lượng tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân ở một số địa phương còn thấp; một số cơ sở Hội chưa phát huy được vai trò, vị trí, chức năng của mình, chưa thực sự là người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, chưa làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ...
* Phóng viên: Đồng chí cho biết những nội dung trọng tâm mà Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra?
- Đồng chí Kiều Như Bổn: Với chủ đề “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, phương hướng hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong 5 năm tới tập trung vào những nội dung trọng tâm: Vận động nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tập hợp, vận động CBHVND tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở nông thôn. Nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh, có trình độ sản xuất ngang bằng với các tỉnh phát triển trong nước và khu vực; có đủ bản lĩnh chính trị, giữ vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trên cơ sở đó, Hội xác định mục tiêu trong 5 năm tới là tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực làm nền tảng nâng cao chất lượng hoạt động Hội để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Huy động nguồn lực hỗ trợ HVND khởi nghiệp thành công, hợp tác phát triển, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao kỹ năng canh tác của nông dân theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập; xây dựng thế hệ nông dân mới có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, qua đó tăng lợi nhuận trong sản xuất, cải thiện thu nhập, đời sống. Tham mưu cho cấp ủy đảng và phối hợp với các cơ quan nhà nước xây dựng và thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của HVND.
* Phóng viên: Đồng chí cho biết nhiệm vụ và giải pháp cụ thể mà Đại hội đề ra trong nhiệm kỳ đến?
- Đồng chí Kiều Như Bổn: Trước tiên, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, cụ thể là tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trọng tâm là các chủ trương, chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về mục tiêu, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, thực hiện tốt kế hoạch sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ, gắn với đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ Hội và bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Đảng.
Triển khai thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thông qua đổi mới tuyên truyền, vận động, hướng dẫn HVND phát huy nội lực, khai thác tiềm năng đất đai, sử dụng vốn có hiệu quả, tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái từng vùng; bảo đảm năng suất đi đôi với chất lượng sản phẩm, có sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, vận động HVND hưởng ứng và thực hiện chủ trương “tích tụ và tập trung ruộng đất”, “dồn điền, đổi thửa” để nâng quy mô sản xuất, phát triển nhanh mô hình kinh tế trang trại, gia trại, xây dựng cánh đồng lớn trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng, từng địa phương để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các cấp Hội đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia xây dựng các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các cấp Hội tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã hội, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, dự án liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của HVND, phát huy tốt vai trò của tổ chức Hội trong xây dựng nông thôn mới, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.
* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Ông Nguyễn Văn Bảnh,Chủ tịch HĐQT HTX Nho Evergreen Ninh Thuận: Thời gian qua, việc thành lập, nhân rộng mô hình kinh tế tập thể rất được tỉnh, cũng như Hội Nông dân quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ. Đây là chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với xu thế hội nhập phát triển. Tuy nhiên, hiện nay HTX chúng tôi, cũng như nhiều HTX khác trong tỉnh gặp một số khó khăn, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh, quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm… Tôi mong rằng, Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần này sẽ bàn bạc đưa ra các giải pháp giúp bà con nói chung, cũng như các tổ chức kinh tế tập thể nói riêng tháo gỡ những khó khăn này, giúp các HTX ngày càng phát triển, thu hút nhiều thành viên tham gia, tạo liên kết chặt chẽ trong sản xuất để cho ra sản phảm nông nghiệp bảo đảm năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, giúp nông dân cải thiện đời sống.
Ông Đinh Hữu Hiền, Hội viên Hội Nông dân xã Phước Chính (Bác Ái): Mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, tuy nhiên hiện nay bà con nông dân ở các xã miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất. Trình độ, kỹ thuật canh tác ở một số nơi còn lạc hậu; nhiều bà con còn thiếu vốn sản xuất, do đó việc chăn nuôi, trồng trọt chưa đạt hiệu quả cao; đời sống, thu nhập chưa được cải thiện nhiều. Tôi mong rằng thời gian tới, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân, Hội Nông dân tỉnh cần tích cực phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng đề ra các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho bà con tiếp cận các nguồn vốn vay, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, đẩy mạnh tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề; nghiên cứu đưa các mô hình, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng địa phương… qua đó tạo việc làm ổn định, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, cải thiện thu nhập cho nông dân.
Ông Đường Thanh Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước): Những năm qua, cũng như dự báo trong những năm tiếp theo, biến đổi khí hậu làm ảnh hướng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của nông dân. Tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ đề ra các giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh; đặc biệt phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương; đồng thời làm tốt vai trò cầu nối liên kết “4 nhà” và tham mưu cho tỉnh xây dựng, triển khai thực hiện quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp, để từ đó định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có giá trị kinh tế cao, hạn chế chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, thu nhập cho bà con.
Uyên Thu (thực hiện)