Các xương này thuộc về Australopithecus afarensis, là sinh vật được biết đến từ việc khám phá ra "Lucy" mà một phần bộ xương được đào lên tại Ethiopia vào năm 1974. Các hóa thạch cho thấy, bàn chân Lucy đã có cố định hình vòm, cho thấy, con người đã có thể đi bộ và thậm chí là chạy một quãng đường dài. Báo Daily Mail dẫn lời tiến sĩ giải phẫu Carol Ward - người đứng đầu nhóm nghiên cứu - cho biết, sự phát triển của bàn chân cong là thay đổi cơ bản đối với cấu trúc cơ thể con người. Ngón chân cái không còn chức năng nắm giữ nữa mà thích nghi để bước đi trên mặt đất.
Lucy có bộ não nhỏ hơn nhưng hàm mạnh hơn so với con người hiện đại, Lucy sống vào khoảng 2,9 đến 3,7 triệu năm trước và theo nghiên cứu này thì đã có thể bước đi trên hai chân. Tuy nhiên, các nhà khoa học không dám chắc là Lucy dành phần lớn thời gian để bước đi hay vẫn còn leo trèo trên cây như loài khỉ.
Xương mới được phát hiện thuộc về một bàn chân hoàn chỉnh. Đó là một trong những xương dài kết nối các ngón chân để thành một bàn chân. Cấu trúc xương cho thấy nó đủ mạnh để bàn chân bước đi và đủ linh hoạt để hấp thụ các chấn động. Với đôi chân như thế này người Australopithecus afarensis đi ra khỏi các rừng cây, bước vào các cánh đồng để tìm thêm những loại thức ăn mới khi cần thiết. Và với cái hàm mạnh mẽ, Australopithecus afarensis có thể ăn nhiều loại thực phẩm như: trái cây, hạt, rễ.
Cấu trúc cơ thể Australopithecus afarensis rất khác với các loài sinh vật tương tự từng sống trước đó, ví dụ như Ardipithecus ramidus di chuyển bằng bốn chân. Theo tiến sĩ Carol Ward thì ngay con người hiện đại ngày nay, nếu cấu trúc bàn chân phẳng không có phần vòm thì chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đối với toàn bộ xương của họ.
Trước phát hiện này, giới khoa học chỉ biết được con người có thể bước đi bằng hai chân khoảng 1,8 triệu năm, ít hơn nhiều so với sinh vật Australopithecus afarensis.
Theo Thanh niên