Ở khu vực này đã xuất hiện đất thoái hóa diện tích khá lớn, trong đó có đất xói mòn trơ sỏi đá nguy cơ sa mạc hóa cao.
Các nhà khoa học chuyên ngành đánh giá quá trình thoái hóa đất dẫn tới hoang mạc hóa ở miền Trung là do quá trình xói mòn, rửa trôi xảy ra mạnh mẽ vào mùa mưa hàng năm. Lượng mưa lớn tập trung vào địa bàn rừng núi và bán sơn địa có độ dốc lớn, trong đó chịu tác động nhiều là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận...
Quá trình cát bay, cát chảy xảy ra ở vùng duyên hải nơi có các cồn cát hứng chịu gió biển. Tình trạng này kéo dài đang là nguy cơ gây ra hoang mạc hóa cục bộ tại miền Trung.
Nhiều nơi đá ong lộ trên mặt đất vì đất trên tầng đá ong đều bị bạc màu, nghèo dinh dưỡng. Loại đá này được người dân khai thác làm vật liệu xây dựng. Các quá trình thoái hóa đất đã gây ra nguy cơ bốn dạng hoang mạc hóa điển hình ở miền Trung như bán hoang mạc cát, bán hoang mạc đá sạn sỏi, bán hoang mạc muối và bán hoang mạc đất cằn.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra phức tạp, nắng nóng, đại hạn xảy ra kéo dài ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, Bình Thuận... đòi hỏi các cộng đồng cần quan tâm nhiều hơn việc tìm giải pháp ngăn chặn quá trình thoái hóa đất, dẫn đến sa mạc hóa ở miền Trung.
Nhưng thiết thực nhất vẫn là biện pháp khắc phục tình trạng khai thác bừa bãi rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển. Các địa phương nhanh chóng thực hiện chương trình phát triển 5 triệu ha rừng, nhằm phủ nhanh đất trống đồi núi trọc, đặc biệt đối với khu vực miền Trung.
Ngành Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo các địa phương quy hoạch sử dụng đất hợp lý theo hướng bền vững, trên cơ sở nghiên cứu địa lý, sinh thái tổng hợp thoái hóa đất, phù hợp với từng vùng góp phần hạn chế tình trạng thoái hóa đất dẫn đến nguy cơ sa mạc hóa khu vực miền Trung./.
(Theo Vietnam+)