Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc về triển khai kế hoạch hoạt KH - CN năm 2011 với Bộ KHCN cùng các bộ ngành liên quan do Bộ KH - CN tổ chức ngày 17/2 tại Hà Nội.
KH - CN đóng góp rõ nét
Báo cáo tại buổi làm việc, bộ trưởng Bộ KH - CN Hoàng Văn Phong đã nêu các kết quả nổi bật đã đạt được trong năm 2010. Cụ thể, nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghệ, thiết bị then chốt, siêu trường, siêu trọng phục vụ thi công nhà máy thủy điện công suất lớn (thủy điện Sơn La). Thiết bị cẩu trục chân đế 180 tấn sử dụng cho các nhà máy đóng tàu, bến cảng, khai khoáng… làm lợi cho đất nước hàng chục triệu USD.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Bộ KH-CN vào chiều 17/2. (Ảnh: B.Ngọc)
Trong nông nghiệp và thủy sản, việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã đóng góp tới 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo được hơn 142 giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao; chọn tạo và tuyển chọn được gần 100 giống lúa mới, đưa năng suất lúa đạt trên 52,3 tại/ha năm 2010, đứng đầu Đông Nam Á. Việc ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại (công nghệ gene) để phòng chống có hiệu quả các loại dịch bệnh mới như bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, bệnh lùn sọc đen lúa…
Trong y dược, lần đầu tiên Việt Nam ghép tim thành công trên người, ghép gan, thận từ người chết cho não. Trong nghiên cứu tế bào gốc, đã làm chủ được quy trình phân lập, bảo quản tế bào gốc từ tủy xương, máu ngoại vi, vùng rìa giác mạc…
Theo Bộ trưởng Hoàng Văn Phong, hàng loạt các kết quả trong nghiên cứu cụ thể cũng như tạo môi trường pháp lý trong lĩnh vực khoa học trong năm 2010 có một phần kế thừa của những năm trước. Tuy nhiên, phải khẳng định những đóng góp của KH - CN vào sự phát triển kinh tế đang ngày càng rõ nét.
8 nhiệm vụ trọng tâm, 6 kiến nghị
Để khởi đầu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, hoạt động KH - CN năm 2011 tập trung vào 8 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, sẽ hoàn tất, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển KH - CN Việt Nam đến năm 2020 và Kế hoạch phát triển KH - CN 5 năm 2011 - 2015; tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm (công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường…); chuẩn bị các điều kiện về nhân lực và hạ tầng kỹ thuật phục vụ Chương trình phát triển điện hạt nhân; hoàn thiện cơ chế chính sách về đãi ngộ và sử dụng cán bộ KH - CN; tập trung hoàn tất để trình phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ KH - CN và trọng dụng nhân tài; đổi mới cơ chế tài chính và đầu tư cho KH - CN.
Lần đầu tiên Việt Nam ghép tim thành công trên người, ghép gan, thận từ người chết cho não.
Cùng với các nhiệm vụ trọng tâm này, Bộ trưởng Hoàng Văn Phong cũng đưa ra 6 kiến nghị, trong đó chủ yếu tập trung vào việc tăng chi ngân sách hàng năm cho KH - CN cũng như việc triển khai đồng bộ các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ. Đảm bảo tỷ lệ trích đầu tư cho quỹ phát triển KH – CN của doanh nghiệp không dưới 10%.
Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nhấn mạnh: “Để cơ bản trở thành nước có nền công nghiệp vào năm 2020, riêng đổi mới công nghệ, Việt Nam phải dành đầu tư 30 - 50 tỷ USD mỗi năm, trong đó nhà nước phải đầu tư 3 - 5 tỉ USD, nếu không sẽ khó đạt mục tiêu”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng như các bộ ngành đánh giá cao các kết quả ngành KH - CN đã đạt được trong năm 2010. Tuy nhiên, phó Thủ tướng cũng cho rằng, các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cần phải cụ thể hơn. Ví dụ, tập trung phát triển sản phẩm trọng điểm quốc gia gồm những sản phẩm nào; ngân sách nên tập trung cho danh mục nào là chủ yếu…
Đặc biệt, cần phối hợp với bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng đề án đẩy mạnh nghiên cứu trong các trường đại học (trước ngày 10/7) để triển khai sớm. Xây dựng đề án thí điểm hỗ trợ cho các doanh nghiệp mang dáng dấp doanh nghiệp KH - CN… “Nhà nước sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho KH - CN tạo bước phát triển mới trong thời gian tới. 10 năm tới phải là một chu kỳ mới của KH - CN…”, phó Thủ tướng chỉ đạo.
Theo Đất Việt