Pin Mặt trời bằng chất dẻo có thể cuộn lại như giấy dán tường. (Ảnh: Daily Mail)
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Sheffield (Anh) đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất tấm pin Mặt trời bằng chất dẻo PV. Vật liệu này có ưu điểm rẻ, nhẹ và dễ dàng lắp đặt hơn so với chất liệu silicon dùng để sản xuất pin Mặt trời phổ biến hiện nay.
Các nhà khoa học hy vọng công nghệ này sẽ mở ra một cuộc cách mạng trong thị trường năng lượng điện Mặt trời trong tương lai gần.
“Nếu bạn tạo ra được một tấm pin Mặt trời có thể thể cuốn tròn như một tờ giấy dán tường khổng lồ và có giá thành rẻ, đó sẽ là một sự lựa chọn phù hợp với các nước đang phát triển”, giáo sư David Lidzey, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết trên tờ Daily Mail.
Một tòa nhà có lắp đặt các tấm pin Mặt trời làm bằng chất dẻo PV. (Ảnh: Daily Mail)
Hiện tại, công ty Konarka (Mỹ) đã bắt đầu ứng dụng công nghệ mới này để chế tạo các sản phẩm cho khách hàng và lắp đặt những tấm pin Mặt trời bằng chất dẻo PV ở tất cả văn phòng của công ty này tại bang Florida. Ngoài ra, công ty Konarka cũng sử dụng các tấm pin Mặt trời loại mới để làm mái nhà chờ xe buýt và sắp tới là các công trình công cộng ngoài trời khác.
Mặc dù ưu điểm của chất dẻo PV là rẻ, không dẫn điện và truyền nhiệt, nhưng công nghệ tấm pin Mặt trời làm bằng loại vật liệu này vẫn cần được cải tiến hơn nữa trước khi áp dụng rộng rãi. Lí do là vì, hiệu năng của tấm pin Mặt trời làm bằng chất dẻo PV chỉ đạt 8%, trong khi chỉ số này của vật liệu silicon là 18%.
Ngoài ra, một nhược điểm nữa của tấm pin Mặt trời làm bằng chất dẻo PV là độ bền kém, rất nhanh bị thoái hóa khi bị đặt ở ngoài trời. Tuy vậy, tiến sĩ David Lidzey cho rằng độ bền kém không thành vấn đề nếu loại vật liệu này giúp giảm chi phí gấp nhiều lần so với silicon.
Theo Vietnamnet