Theo ông Aso, nhu cầu gia tăng ngân sách phục vụ nâng cao mức sống người dân và đề nghị bổ sung thêm kinh phí từ Bộ Quốc phòng lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay đã khiến dự toán ngân sách tài khóa tới vượt dự tính. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản khẳng định đang làm hết sức để có thể đáp ứng kiến nghị của Bộ Quốc phòng nhưng đồng thời cũng tính toán đến những vấn đề liên quan đến việc tăng thuế tiêu dùng sắp tới.
Vẫn không loại trừ khả năng Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ đưa ra con số cuối cùng cho ngân sách tài khóa tới thấp hơn con số đề xuất ban đầu. Tuy vậy, điều này dường như vẫn sẽ không giảm bớt những lo ngại về vấn đề gánh nặng nợ nần của Nhật Bản, hiện được cho là cao nhất thế giới với tỷ lệ gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm. Trong khi đó, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nợ công của Mỹ chỉ tương đương khoảng 125% GDP.
Tình trạng già hóa dân số của Nhật Bản tăng nhanh đã gây ra những sức ép trực tiếp đối với vấn đề sử dụng ngân sách cho phúc lợi và cải thiện hệ thống chăm sóc y tế, sức khỏe. Mặc dù chính phủ Nhật Bản đã có những biện pháp cắt giảm chi tiêu, nhưng tuổi thọ trung bình của người dân nước này tăng nhanh đến mức không thể kìm hãm sự gia tăng chi tiêu ngân sách phục vụ nâng cao đời sống người dân nói chung.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã yêu cầu được cấp ngân sách 5.300 tỷ yen trong tài khóa tới, tăng tới 2,1% so với tài khóa hiện nay.
Nếu được thông qua, ngân sách tài khóa tới sẽ đánh dấu lần tăng thứ bảy liên tiếp (chưa tính đến yếu tố lạm phát) dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe.
Theo ông Aso, chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lên 10% trong tháng 10-2019 từ mức 8% hiện tại. Song song với đó, Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ việc tăng thuế sắp tới và những biện pháp này cần phải được tính đến dự toán ngân sách tài khóa 2019.
HL (tổng hợp)