Đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT |
Đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Năm học mới 2018-2019 đã bắt đầu, cùng với việc huy động các nguồn lực xã hội nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học, thì các khoản đóng góp trong nhà trường là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. Trong các cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm học mới cho Ban giám hiệu các trường học, Giám đốc Sở GD&ĐT đã chỉ đạo toàn ngành quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020- 2021 và Quyết định số 69/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về mức thu, vùng thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2016- 2017 đến năm học 2020- 2021.
Theo đó, học phí đối với chương trình giáo dục đại trà cấp học Mầm non và phổ thông công lập được thu theo từng vùng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế- xã hội của học sinh (HS) sinh sống, học tập. Tỉnh ta có 3 vùng là vùng 1 (khu vực thành thị), vùng 2 (khu vực nông thôn), vùng 3 (miền núi, bãi ngang, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn). Đơn cử, mẫu giáo bán trú vùng 1 học phí 120.000 đồng/tháng (riêng trường mầm non trọng điểm và trường đạt chuẩn quốc gia 225.000 đồng/tháng); vùng 2 là 60.000 đồng; vùng 3 là 20.000 đồng/tháng. Đối với cấp THCS tương ứng là 60.000 đồng, 30.000 đồng, 8.000 đồng và cấp THPT là 75.000 đồng, 40.000 đồng, 8.000 đồng/tháng. Đồng thời thực hiện đúng quy định miễn học phí cho tất cả HS cấp tiểu học, HS là thân nhân của người có công với cách mạng, HS khuyết tật khó khăn về kinh tế, HS dưới 16 tuổi không có người nuôi dưỡng, HS thuộc diện hộ nghèo, HS trường phổ thông dân tộc nội trú…. Các cơ sở giáo dục có thể thu thêm các khoản phục vụ trực tiếp cho việc học tập của HS theo quy định như: phiếu liên lạc, học bạ, văn bằng, chứng chỉ, bảo hiểm y tế, học thêm 2 buổi/ngày, tiền gửi xe. Đối với HS các cơ sở mầm non bán trú thì phụ huynh có thể nộp bằng tiền cho nhà trường mua hộ hoặc nộp bằng hiện vật phục vụ sinh hoạt, học tập của trẻ.
Một số phụ huynh học sinh thắc mắc: Một số trường học còn lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ HS để vận động ủng hộ kinh phí vào đầu năm học mới, vấn đề cần được chấn chỉnh ra sao?
Đồng chí Lê Bá Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, trả lời: Các cơ sở giáo dục không được bắt buộc phụ huynh, HS đóng góp bất kỳ khoản thu nào về GD&ĐT trái với các quy định của Nhà nước. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ HS phải được thực hiện theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS. Tất cả các khoản thu ngoài GD&ĐT phải thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện có sự đồng thuận của phụ huynh và Ban đại diện cha mẹ HS. Đối với các khoản đóng góp, tài trợ theo hình thức xã hội hóa để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ các hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục phải được thực hiện theo đúng Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Các cơ sở giáo dục phải thực hiện dân chủ, công khai minh bạch trong việc thu chi tài chính cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh. Báo cáo việc thực hiện thu chi tài chính và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.
Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu các cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục tăng cường công tác quản lý tài chính, chống lạm thu trong trường học ngay từ những ngày đầu năm học mới 2018- 2019. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Công văn số 1786/SGDĐT-KHTC của Sở GD&ĐT về việc thực hiện chống lạm thu và công khai các khoản thu trong các cơ sở giáo dục. Đơn vị nào thực hiện sai, thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sau khi khai giảng năm học mới, Sở GD& ĐT tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra việc thu, chi trong các cơ sở giáo dục quốc dân. Các đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm việc lạm thu trong trường học sẽ được xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Sơn Ngọc (thực hiện)