Ruộng sắn 2 tháng tuổi bị nhiễm bệnh khảm lá tại xã Hòa Sơn (Ninh Sơn).
Bệnh khảm lá sắn là bệnh do virus gây ra và rất nguy hiểm. Bệnh lây lan qua 2 đường là hom giống lấy từ cây bệnh và môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng chích hút từ cây bệnh truyền bệnh sang cây khác. Nếu không có biện pháp quản lý phù hợp và kịp thời để hạn chế, tiêu hủy nguồn bệnh thì nguy cơ gây hại nghiêm trọng các vùng trồng sắn tại địa phương là rất cao.
Cây sắn còn nhỏ bị nhiễm bệnh khảm lá sắn sẽ không cho thu hoạch; khi cây sắn đã lớn mới nhiễm bệnh thì vẫn cho thu hoạch, nhưng giảm đáng kể về năng suất và chất lượng. Hiện nay, diện tích sắn của Ninh Thuận chủ yếu được trồng tại huyện Ninh Sơn với diện tích hàng năm khoảng 2.000 ha. Tuy nhiên, trong năm 2018 diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện có xu hướng tăng hơn so với các năm trước do nông dân chuyển đổi một phần diện tích trồng mía sang trồng sắn. Chính vì thế, việc thiếu hom giống đảm bảo chất lượng đã dẫn đến người nông dân mua hom giống từ các vùng nhiễm bệnh như Tây Ninh hoặc Đồng Nai đã làm phát sinh nguồn bệnh. Qua điều tra theo dõi, phần lớn diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá sắn trên địa bàn huyện là do nông dân mua hom giống nhiễm bệnh từ các địa phương khác về trồng; một số ít diện tích trồng các giống của nông dân để lại từ năm trước cũng bắt đầu xuất hiện bệnh, nguyên nhân là do bọ phấn trắng truyền bệnh từ cây bị nhiễm sang cây khác. Vì vậy, để ngăn chặn bệnh khảm lá sắn lây lan trên diện rộng, góp phần giảm thiệt hại trong sản xuất sắn trên địa bàn huyện Ninh Sơn, cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Tăng cường công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền để người nông dân trồng sắn và người kinh doanh hom giống sắn nắm rõ con đường lây truyền bệnh, tác hại của bệnh và một số biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn hiệu quả;
2. Đẩy mạnh công tác quản lý việc buôn bán, sử dụng giống sắn; tuyệt đối không sử dụng các hom giống có nguồn gốc từ vùng có diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sắn; cấm các hành vi buôn bán, trao đổi các giống sắn đã bị nhiễm bệnh; không vận chuyển, thân lá sắn ra khỏi nơi nhiễm bệnh.
3. Thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh, đối với những vùng có nguy cơ bùng phát bệnh cần có biện pháp phòng trừ hiệu quả môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng, có thể sử dụng kết hợp các phương pháp sau:
- Sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Dinotefuran hoặc Pymetrozine để phòng trừ, nên phun thuốc khi bọ phấn giai đoạn ấu trùng, phun ướt đều toàn bộ tán lá sắn, đặc biệt là bề mặt dưới của lá (vì bọ phấn trắng hay tập trung ở bề mặt dưới của lá);
- Kết hợp sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng;
- Không nên trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn trắng như cây họ cà, họ bầu bí,.. ít nhất một vụ ở những vùng đã bị bệnh xảy ra;
4. Khi phát hiện bệnh, cần khoanh vùng và tiêu hủy nguồn bệnh theo quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn của Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành tại văn bản số 1605/BVTV-TV ngày 21/7/2017, cụ thể:
- Đối với các ruộng tỷ lệ bệnh <70% số cây bị bệnh, tiến hành nhổ cây bị bệnh (bao gồm cả củ), thu gom và đốt.
- Đối với các ruộng tỷ lệ bệnh >70% số cây nhiễm bệnh thì nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt. Trước khi tiêu hủy từ 2-3 ngày, phun thuốc bảo vệ thực vật trừ bọ phấn trắng để đảm bảo an toàn. Lưu ý, cần phải phun thuốc trừ bọ phấn trắng trên ruộng sắn nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang nơi khác truyền bệnh.
Theo ghi nhận của cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và PTNN Nha Hố, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện và gây hại khá phổ biến trên nhiều diện tích sắn tại xã Hòa Sơn (Ninh Sơn); đặc biệt là những diện tích mới trồng trong tháng 7 đến nay nhưng người nông dân vẫn chưa sẵn sàng thực hiện theo quy trình khuyến cáo của Cục Bảo vệ thực vật. Vì vậy, để ngăn chặn khả năng lây lan của bệnh trên diện rộng thì các cấp, ngành cần nhanh chóng có các chủ trương và chính sách để hỗ trợ người dân trồng sắn tiến hành tiêu hủy những diện tích bị nhiễm nặng và phun thuốc phòng trừ môi giới truyền bệnh khảm là bọ phấn trắng.
Phan Công Kiên (Viện Nghiên cứu Bông & PTNN Nha Hố)