Tuy nhiên, vẫn còn không ít HTXNN trên danh nghĩa đã chuyển qua mô hình kiểu mới, nhưng nội dung hoạt động không thay đổi, dẫn đến kinh doanh bị thua lỗ. Để phát huy vài trò của HTXNN trong xây dựng nông thôn mới, tổ chức liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra giá trị gia tăng các mặt hàng nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, nhiệm vụ đặt ra cho ngành chức năng, các địa phương là tập trung tháo gỡ khó khăn cho HTXNN phát triển.
Hoạt động sản xuất ớt bột chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu
của HTX Tầm Ngân, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn).
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2018 của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh (Ban Chỉ đạo) vừa qua, các đại biểu nhìn nhận một thực tế yếu kém của kinh tế tập thể hiện nay là số HTXNN kiểu mới hoạt động cầm chừng chiếm tỷ lệ cao, trên 40%. Ở huyện Bác Ái có 4 HTXNN, nhưng chỉ HTX Phước Đại hoạt động có hiệu quả, số còn lại cầm chừng. Hướng tới thực hiện Chương trình “mỗi huyện mỗi sản phẩm đặc thù” huyện có kế hoạch thành lập mới HTX Sản xuất bưởi da xanh xã Phước Bình kết hợp du lịch vườn cây ăn trái, nhưng đang lúng túng do không tìm được cán bộ đủ năng lực xây dựng kế hoạch kinh doanh, sản xuất. Không riêng gì huyện vùng cao Bác Ái, một số địa phương khác trình độ quản lý của cán bộ HTXNN cũng rất hạn chế. Đồng chí Lưu Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải cho biết: Trên địa bàn huyện có 12 HTXNN, trong đó 9 HTX đang hoạt động, số còn lại đã ngưng và giải thể. Qua rà soát, sau khi chuyển qua mô hình HTX kiểu mới, hoạt động của các HTXNN có chuyển biến, nhưng chỉ có HTX Kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp An Xuân là xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh, nên ngân hàng cho vay số tiền 150 triệu đồng. Huyện cần tỉnh hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ HTXNN, nhất là các vị trí giám đốc, kế toán. Tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, hoạt động của các HTXNN cũng gặp những khó khăn tương tự, kết quả khảo sát có tới trên 60% cán hộ HTX đã lớn tuổi, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Xác định vai trò quan trọng của HTXNN trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Nhà nước ban hành nhiều chính sách hỗ trợ HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để vay được nguồn vốn này, các ngân hàng thương mại yêu cầu phải xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, trong khi đó một số cán bộ HTXNN hiện nay không đủ năng lực đảm nhiệm công việc, đây cũng là lý do các tổ chức tín dụng không mạnh dạn đầu tư vốn.
Nhìn nhận nguyên nhân chính dẫn đến các HTXNN hoạt động cầm chừng là do thiếu nguồn nhân lực, nên Ban Chỉ đạo đã đề nghị các huyện, thành phố thành lập các tổ công tác hỗ trợ HTXNN xây dựng các thủ tục vay vốn đảm bảo đúng theo trình tự, quy định của pháp luật; đồng thời, tạo điều kiện cho hàng trăm lượt cán bộ HTX vào học tại Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II (TP. Hồ Chí Minh); Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên Minh HTX tỉnh mở nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đối tượng là giám đốc, kế toán HTX, qua đó trình độ chuyên môn của cán bộ ở một số HTX được nâng lên đáng kể, đủ khả năng tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số giám đốc HTX đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, năng động đổi mới phương thức hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm kiếm thị trường. Đơn cử, HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu đi đầu trong toàn tỉnh thực hiện thành công mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống. Kết quả từ hợp tác sản xuất đã hình thành nên vùng nguyên liệu lúa giống chất lượng cao, bình quân sản xuất 1 ha lúa giống xã viên thu lãi gần 11 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa thương phẩm. Hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ HTXNN đang được đẩy mạnh lên tầm cao mới, khi hiện nay tỉnh đang chỉ đạo các huyện, thành phố chủ động làm việc với các HTXNN đề xuất nhu cầu hỗ trợ đào tạo, bỗi dưỡng cán bộ; đồng thời, thực hiện mô hình cử cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác ở một số HTX.
Anh Tùng