Những trở ngại trong Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ

Trang mạng worldpoliticsreview.com mới đây đăng tải bài viết "Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ giết chết hòa bình giữa người Do Thái và Palestine" với nội dung như sau:

Mặc dù đã nhiều lần khẳng định ý định về xây dựng một kế hoạch "dũng cảm và có hiệu quả" để giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine, nhưng Tổng thống Mỹ Donald-Trump tiếp tục bắt các bên liên quan phải chờ đợi. Nếu Tổng thống Trump công bố kế hoạch hòa bình chắc chắn sẽ gặp phải phản đối vì một số lý do sau:

Thứ nhất, người Palestine đã mất niềm tin vào Chính quyền Mỹ sau khi Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Palestine đã rất bất bình về động thái này, cho rằng Chính phủ Mỹ đã vi phạm vai trò của nước này là quốc gia hòa giải và hậu thuẫn cho tiến trình đàm phán hòa bình bằng việc lựa chọn quan điểm của Israel về Jerusalem. Lãnh đạo Palestine đã có bước đi chưa có tiền lệ là chấm dứt tất cả các liên lạc với các quan chức Mỹ để ngăn chặn Chính quyền Mỹ công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông. Palestine lo sợ kế hoạch hòa bình thiếu căn cứ và chỉ gia tăng thêm tâm lý thù hằn dân tộc giữa người Palestine và người Do Thái.

Thứ hai, các nước Ảrập chủ chốt, trái với các thông tin rò rỉ cho rằng sẽ chấp nhận Kế hoạch hòa bình như truyền thông ủng hộ Chính phủ Israel đưa tin, sẽ phản đối các quan điểm cứng rắn mà Mỹ đưa ra trong Kế hoạch hòa bình. Các nước này không muốn Mỹ công bố Kế hoạch hòa bình. Quan điểm của các nước Ảrập như được đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh Ảrập tại Saudi Arabia là không ngạc nhiên. Vào thời điểm Saudi Arabia đang đối mặt với các thách thức trong vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo từ Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nước này không thể ủng hộ và tham gia vào một kế hoạch hòa bình của Mỹ - kế hoạch được cho là trao Jerusalem (địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo) cho Israel. Jordan cũng có quan điểm tương tự. Là quốc gia đảm nhận trách nhiệm bảo vệ các địa điểm linh thiêng của Hồi giáo tại Jerusalem, Jordan không thể chấp nhận bất kỳ Kế hoạch hòa bình nào hợp pháp hóa quyền kiểm soát của Israel đối với Jerusalem.

Thêm vào đó, không giống như những người Thiên Chúa giáo tại Mỹ, nhiều người Thiên chúa giáo tại châu Âu và các nơi khác cảm thấy không thoải mái khi trao quyền kiểm soát không giới hạn cho Israel đối với thành phố Jerusalem. Giải pháp hai nhà nước, như đã được các chính trị gia vạch ra, luôn luôn khẳng định quyền tiếp cận bình đẳng đối với Jerusalem đối với người Do Thái, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Châu Âu luôn là bên ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với giải pháp hai nhà nước và có khả năng chính trị và tài chính mạnh nhất để thúc đẩy thực hiện giải pháp hai nhà nước. Tất nhiên, có một số lý do chính trị giải thích cho điều này, Jerusalem cũng là thành phố thiêng liêng đối với người Thiên chúa giáo trên khắp thế giới và họ muốn duy trì quan hệ và quyền tiếp cận thành phố này. Các xung đột gần đây liên quan đến các khoản thuế của Israel đối với các nhà thờ Thiên Chúa giáo, tranh chấp đất đai và giới hạn quyền tiếp cận thành phố này đang làm gia tăng căng thẳng giữa người Do Thái và người Thiên Chúa giáo.

Tuy vậy, lý do quan trọng nhất tại sao "thỏa thuận thế kỷ" của Tổng thống Trump sẽ không được ủng hộ là liên minh chính trị tại Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu không thực sực ủng hộ Kế hoạch hòa bình của Mỹ. Một số nhà quan sát cho rằng Thủ tướng Netanyahu chưa bao giờ ủng hộ "thỏa thuận thế kỷ" của Tổng thống Trump. Liên minh chính trị cánh tả của Thủ tướng Netanyahu không chấp nhận từ bỏ các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây hay từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào tại Bờ Tây mà Israel đang chiếm đóng, bao gồm cả Đông Jerusalem. Kế hoạch hòa bình của Mỹ đưa ra giải pháp hai nhà nước hay một nhà nước Palestine độc lập sẽ đặt Thủ tướng Netanyahu vào thế phải chọn liên minh cầm quyền tại Israel hay là mối quan hệ đầy giá trị với chính quyền Trump.

Với những gì diễn ra gần đây, chính quyền Trump dường như lựa chọn cách thức tiếp cận thực hiện kế hoạch hòa bình theo hình thức đơn phương áp đặt như Israel đang áp dụng để giải quyết xung đột với Palestine. Chính quyền Trump sẽ gây áp lực thực hiện kế hoạch này một cách từ từ thay vì sử dụng cơ chế ngoại giao song phương hoặc đa phương.

Người Palestine đã cho rằng quyết định của Chính quyền Trump về dừng các khoản viện trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc về người tỵ nạn Palestine (UNRWA)-tổ chức duy nhất của Liên hợp quốc được phép cung cấp viện trợ hàng triệu USD cho người tỵ nạn Palestine- như là một bước đi đơn phương hướng tới loại bỏ quyền hồi hương của người Palestine, thay vì giải quyết vấn đề hồi hương thông qua đàm phán với Israel. UNRWA cung cấp tài chính cho hầu hết các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục tại 58 trại tỵ nạn của người Palestine tại Liban, Jordan, Syria, Bờ Tây và Gaza. Cơ quan này đã rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính và nếu không thể cung cấp đủ lương thực cần thiết hoặc mở cửa trở lại các trường học, nhiều bất ổn hơn nữa sẽ diễn ra.

Cuối cùng, Chính quyền Trump đang cố gắng thúc đẩy các nước Ảrập thiết lập quan hệ bình thường với Israel nhưng không thành công. Quan hệ Ảrập và Israel còn bao gồm cả vấn đề Israel chiếm đóng lãnh thổ của Palestine và Cao nguyên Golan. Israel sáp nhận Cao nguyên Golan năm 1981 trong một động thái mà Syria và phần còn lại của thế giới không công nhận. Trong một chỉ dấu khác về sự điều chỉnh chính sách của Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này, lần đầu tiên trong gần 40 năm qua đã loại bỏ từ "chiếm đóng" khi đề cập đến lãnh thổ Palestine trong báo cáo thường niên về nhân quyền.

Tổng hợp các phân tích trên cho thấy tất cả các bước đi này chỉ ra rằng Chính quyền Trump trên thực tế đang không hoạch định được ý tưởng riêng và tham vấn các nước Ảrập, thay vào đó là phối hợp chặt chẽ với Israel để đưa ra chiến lược một chiều có lợi cho đồng minh Israel.

Nhưng cách tiếp cận mới Mỹ-Israel sẽ chỉ dẫn đến thất bại do không nhận được sự ủng hộ của khu vực và cộng đồng quốc tế. Quan trọng hơn, Kế hoạch hòa bình không thể thành công nếu không có sự tham gia của Palestine-một dân tộc đang đòi quyền thành lập một nhà nước Palestine độc lập được cộng đồng quốc tế công nhận tồn tại bên cạnh Nhà nước Do Thái.

Khu vực duy nhất Trump và Netanyahu có thể thúc đẩy thực hiện Kế hoạch hòa bình là tại dải Gaza. Israel tiếp tục kéo dài sự chia rẽ về lãnh thổ và chính trị giữa Bờ Tây và Gaza. Điều này phục vụ lợi ích chiến lược của Israel làm lung lay giải pháp hai nhà nước và đẩy trách nhiệm quản lý Gaza cho Ai Cập - một trong những lý do khi Israel tính toán rút quân khỏi Gaza năm 2005. Tuy nhiên, Israel cũng đang hết sức quan ngại về gia tăng căng thẳng tại Gaza, vùng lãnh thổ bị Israel và Ai Cập phong tỏa nghiêm ngặt trong 10 năm qua. Như một quan chức quân đội Israel đã nói vấn đề kinh tế của Gaza cũng là vấn đề an ninh của Israel.

Đó là lý do tại sao ngoại giao Mỹ gần đây đã tập trung vào vùng lãnh thổ nhỏ bé, nhưng đông dân và đang bị cô lập này, nơi nước thậm chí còn không đủ để cung cấp cho gần 2 triệu dân đang sống tại đây. Cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza bằng việc chấm dứt bao vây, cô lập Gaza là một chính sách cùng thắng vì phục vụ đồng thời các mục đích chính trị và an ninh của Israel. Hamas, tổ chức đang kiểm soát Gaza, không tập trung đấu tranh đòi quyền tự quyết của người Palestine và có thể tin rằng viện trợ nhân đạo có thể giải quyết được những yếu kém trong việc quản lý Gaza của tổ chức này. Ai Cập có thể cũng không phản đối viện trợ kinh tế cho Gaza bởi vì nước này sẽ được lợi về kinh tế do tăng cường được quan hệ với Mỹ khi đồng ý gỡ bỏ cấm vận Gaza.

Tóm lại, thay vì sự khởi đầu mới trong hòa bình, kết quả cách tiếp cận mới của Mỹ đối với khu vực sẽ làm suy giảm hơn nữa vai trò lãnh đạo của chính quyền Palestine-một chính quyền đã tồn tại 25 năm, đã ký kết và tuân thủ Hiệp định Oslo với Israel tại Na Uy, mạo hiểm theo đuổi giải pháp hai nhà nước và tầm nhìn hòa bình vì người Palestine và Israel. Tổng thống Trump đang tăng sức mạnh cho khuynh hướng cánh tả trong Chính phủ Israel trong khi đi ngược lại các đòi hỏi cho một quá trình đàm phán hòa bình thực sự. 

Theo TTXVN