Qua hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng 70,23 nghìn tỷ đồng, chiếm 50,78%; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21,59 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,61% và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC (Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam) được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,59%. Kết quả xử lý nợ xác định theo Nghị quyết 42 theo hình thức khách hàng trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, VAMC có quyền thu giữ tài sản đảm bảo theo Nghị quyết 42. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Cùng với đó, năng lực tài chính của các TCTD cũng được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm. Tính đến cuối tháng 6-2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt trên 519 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 720,43 nghìn tỷ đồng.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh ta.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian đầu thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc cơ cấu lại các TCTD; tích cực phối hợp với ngành Ngân hàng trong công tác giải quyết nợ xấu, bảo vệ quyền hợp pháp của các bên trong quá trình xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Bộ Tài chính sớm triển khai giải pháp về xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến nợ đọng xây dựng cơ bản có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước; tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế rõ ràng và cụ thể hơn để thực hiện đúng Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) và nghĩa vụ nộp thuế. Bộ Công an xem xét ban hành văn bản chỉ đạo công an các cấp phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tăng cường công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các TCTD khi thu giữ TSBĐ của các khoản nợ xấu; kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi chống đối, cản trở, đe dọa tính mạng, tinh thần của bên thu giữ tài sản để việc thu giữ TSBĐ được thành công. Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất tại các địa phương về vấn đề xử lý TSBĐ là dự án bất động sản còn dở dang...
Mai Dũng