Qua 2 năm thực hiện chương trình, diện mạo kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp giảm dần; trình độ dân trí ngày càng nâng cao; kết cấu hạ tầng các huyện miền núi từng bước hoàn thiện hơn. Chất lượng giáo dục và đào tạo, công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được chú trọng. Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn từng bước giúp nhân dân bổ trợ kiến thức thay đổi phương thức canh tác, chăn nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…
Đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu
tại buổi giám sát với Ban Dân tộc tỉnh. Ảnh: M .Dung
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận kết quả thực hiện chính sách, pháp luật và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh ta. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình. Trong đó cần chú trọng vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, nhất là khơi dậy ý thức tự lực vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Riêng với Ban Dân tộc tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, dự án ở cơ sở... tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình triển khai thực hiện.
* Ngày 27-8, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 -2018.
Đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu
tại buổi giám sát với Ngân hàng CSXH tỉnh. Ảnh Thế Quang.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, qua triển khai thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ/CP của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, đến nay đã có trên 83 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp hơn 13,8 ngàn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo và cận nghèo; tạo việc làm cho hơn 3.500 lao động, hơn 12 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 17 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn... Vốn tín dụng ưu đãi đã tập trung hướng vào vùng sâu, vùng xa, huyện nghèo và các xã thuộc vùng khó khăn, vùng miền núi, với tổng dư nợ đạt 785 tỷ đồng. Hầu hết hộ vay vốn Ngân hàng CSXH tỉnh sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ vay, trả lãi đầy đủ; nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững và khá giả.
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả mà Ngân hàng CSXH tỉnh trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong thực hiện tín dụng ưu đãi tại địa phương; nâng cao nhận thức cho hộ vay; tiếp tục cải cách thủ tục vay vốn, đảm bảo đúng quy định; phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn và các hội, đoàn thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng theo đúng tiến độ để giúp người dân sớm tiếp cận các nguồn vốn, phát triển sản xuất.
Thế Quang - Mỹ Dung