Ông Oreshkin là một trong số các quan chức chính phủ đầu tiên thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ và những rủi ro của các biện pháp như vậy sẽ có tác động lên nền kinh tế Nga sau khi điện Kremlin phủ nhận việc đồng rouble rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016 do bất ổn thị trường.
Ngày 22-8, đồng rouble suy yếu và hướng đến mức thấp nhất trong hơn hai năm qua, khi các nhà giao dịch cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng trung ương Nga khiến họ bị thiệt hại.
Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên nhiều thực thể của Nga hôm 21-8, và một loạt lệnh trừng phạt mới do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hồi đầu tháng này được dự báo sẽ có hiệu lực vào cuối ngày 22-8.
Ông Oreshkin nói rằng đồng rouble sẽ yếu đi hơn nữa trong 12 tháng tới, trong lúc nhịp độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đôi chút so với dự báo trước đó. Nhiều khả năng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga sẽ được điều chỉnh từ mức 1,9% xuống 1,8% cho năm nay.
Bộ này từng dự báo đồng nội tệ Nga ở mức trung bình khoảng 61 rouble đổi 1 USD trong năm nay và ở mức trung bình 63-64 rouble/USD trong năm 2019. Đồng ruble hiện được giao dịch ở mức 67,96 rouble/USD, sau khi mất hơn 8% giá trị tính từ đầu tháng này.
Theo số liệu chính thức, Ngân hàng trung ương Nga tăng mức nắm giữ vàng thêm gần 29 tấn trong tháng Bảy. Đây là mức mua ròng vàng mạnh nhất trong một tháng của ngân hàng này kể từ tháng 11-2017.
Kể từ đầu năm 2016 đến nay, tổng dự trữ vàng của Nga đã tăng 37%, hiện trị giá khoảng 76 tỷ USD. Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Nga đã thăng hạng mạnh trong danh sách các quốc gia có dự trữ vàng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nước dự trữ nhiều vàng nhất, ở mức khoảng 9.000 tấn.
Việc gom mua vàng này diễn ra song song với việc Nga giảm mạnh nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ. Hiện tại, trái phiếu kho bạc Mỹ chỉ chiếm 17% tổng dự trữ ngoại tệ mà Ngân hàng trung ương Nga quản lý.
HL (tổng hợp)