Xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Bài 1: Phát huy lợi thế về năng lượng sạch

(NTO) Trong tầm nhìn chiến lược phát triển, Ninh Thuận xác định lấy ngành năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột và mũi nhọn ưu tiên thu hút đầu tư, nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Với làn sóng đầu tư mạnh mẽ và nhiều công trình điện gió, điện mặt trời đang được triển khai thi công, chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước đang dần được hiện thực hóa.

Với tiềm năng và lợi thế về lượng gió và cường độ nắng lớn nhất cả nước, tỉnh ta đang tập trung huy động các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút các nhà đầu xây dựng và phát triển các nhà máy điện gió, điện năng lượng mặt trời, biến những bất lợi về khí hậu, thời tiết trở thành nguồn tài nguyên quý giá, tạo sự đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Biến nắng, gió thành điện năng

Kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, tỉnh ta là khu vực có tiềm năng phát triển điện gió, điện mặt trời lớn nhất so với cả nước. Theo kết quả khảo sát, tốc độ gió trung bình ở độ cao 65 m đạt 7,25 m/s; tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng với khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam và Ninh Phước, lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6 m/s, đảm bảo cho turbin gió phát điện ổn định. Bên cạnh đó, tiềm năng về phát triển điện mặt trời cũng rất thuận lợi. Thời gian có nắng để sản xuất điện hầu như có quanh năm, số giờ nắng trung bình cả năm từ 2.600-2.800 giờ. Tổng sản lượng bức xạ nhiệt mặt trời trung bình 5,221 kWh/m2, cao hơn mức trung bình cả nước. Trong khi đó, do địa hình nằm trong khu vực ít có bão nhờ vào sự bao bọc, che chắn của các dãy núi và cao nguyên nên rất thuận lợi cho việc xây dựng các nhà máy năng lượng điện tái tạo.

Dự án Điện gió Đầm Nại là dự án điện gió đầu tiên ở tỉnh ta
đi vào hoạt động thương mại. Ảnh: N.A.T

Để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về nắng và gió, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cùng các cơ quan tư vấn tổ chức khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Từ đó, hoàn thiện bổ sung vào Đề án quy hoạch phát triển điện gió và điện mặt trời trong quy hoạch tổng thể về phát triển điện lực Việt Nam. Trên cơ sở các đề án quy hoạch đã được Trung ương phê duyệt, tỉnh đã xúc tiến kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực, công nghệ hiện đại tham gia đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Thu hút các dự án đầu tư năng lượng tái tạo

Nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tỉnh chủ trương vận dụng tối đa mức hỗ trợ cao nhất theo khung quy định của Chính phủ cho các nhà đầu tư được hưởng các ưu đãi về giảm giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng. Vì vậy, các dự án đầu tư năng lượng tái tạo vào tỉnh sẽ được miễn tiền thuê đất, được áp dụng thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt quá trình thực hiện dự án và được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đồng thời, dự án được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp.

Công nhân thi công dự án Điện gió Đầm Nại giai đoạn 2.

Theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2015 đến 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 2574/QĐ-BCT ngày 25-4-2013, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 16 dự án điện gió được chấp thuận chủ trương khảo sát, trong đó có 12 dự án đã phê duyệt vào quy hoạch phát triển điện lực và cấp quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất 744,75 MW, tổng vốn đăng ký khoảng 27.577 tỷ đồng. Đồng thời, có 27 dự án điện mặt trời cũng đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Trong đó, có 18 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với quy mô công suất 999 MW, tổng vốn đăng ký 27.876 tỷ đồng. Theo quy hoạch đến năm 2030, Ninh Thuận sẽ thu hút đầu tư phát triển các dự án năng lượng điện gió, với tổng công suất 1.429 MW, điện mặt trời với tổng công suất 3.912 MW.

Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Năng lượng tái tạo là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, do đó, tỉnh luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho nhà đầu tư. Đặc biệt, ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

--------------------

(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)
Bài 2: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.