Từ đổi thay ở Bác Ái
Năm 2010 trở về trước, một trong những rào cản đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) ở huyện miền núi Bác Ái là hạ tần giao thông (HTGT) yếu kém. Ngoài trục đường duy nhất Quốc lộ 27B nối Bác Ái với huyện miền núi Ninh Sơn và Khánh Hòa, Bác Ái gần như “cô lập” giao thông giữa đại ngàn. Nhiều xã như Phước Bình, Phước Trung... muốn về trung tâm huyện Bác Ái phải đi mất cả ngày. Muốn KT-XH Bác Ái phát triển, giảm nghèo nhanh theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, một trong giải pháp quan trọng được tỉnh xác định, đó là việc đầu tư phát triển HTGT.
Từ chủ trương đó, hằng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và huy động sức dân đã được đầu tư vào xây dựng HTGT ở huyện Bác Ái. Từ năm 2010 trở lại đây, ngoài việc đầu tư, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 27B đi qua địa bàn huyện; các tuyến đường mới liên huyện, liên xã được tập trung đầu tư, như: An Hòa-Phước Trung, Ninh Bình-Phước Bình, Phước Đại-Phước Trung, Phước Đại-Phước Tân... Bên cạnh việc đầu tư HTGT quy mô lớn có tính kết nối vùng, mạng lưới giao thông nông thôn cũng được quan tâm đầu tư theo chuẩn nông thôn mới. Đến nay, 100% xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã và có thể lưu thông quanh năm, tỷ lệ đường giao thông trên khu vực được cứng hoá, cấp phối sỏi đá tăng hằng năm. Các tuyến đường trên đã tạo thành mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, liên hoàn, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân trong và ngoài vùng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và quốc phòng – an ninh của huyện Bác Ái.
Hạ tầng giao thông xã Phước Bình (Bác Ái) được đầu tư xây dựng
tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất. Ảnh: V.M
Ông Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho rằng, việc đầu tư vào HTGT đã mở ra bước ngoặt mới trong phát triển KT-XH, là động lực chính để khai thác nội lực của địa phương. Giao thương thuận lợi, giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân và giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các vùng lân cận, góp phần đưa diện mạo của Bác Ái thay đổi rõ rệt; tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt mức 13,5% đến 17%; sản xuất từ chỗ tự túc, tự cấp, đến nay nhân dân Bác Ái đã theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học - kỹ thuật để thâm canh, tăng vụ; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5-6 %/năm…
Đến vùng miền núi
Cùng với Bác Ái, các địa phương khác thuộc vùng miền núi cũng được tỉnh quan tâm đầu tư HTGT theo hướng đồng bộ, giải quyết khó khăn trong đi lại và sản xuất của người dân trên địa bàn cũng như kết nối giao thông với các vùng lân cận. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã thực hiện đầu tư 309 công trình giao thông tỉnh, huyện và giao thông nông thôn, với tổng vốn 1.486 tỷ đồng. Theo đó, ngoài việc đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn các huyện miền núi, nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã được tập trung đầu tư. Bên cạnh việc đầu tư HTGT quy mô lớn có tính kết nối vùng, mạng lưới giao thông nội đồng, giao thông nông thôn cũng được quan tâm đầu tư theo chuẩn nông thôn mới. Qua đó, đã đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, bê tông hóa được trên 130 km đường ngõ xóm, trục thôn, đường nội đồng. Các tuyến đường trên đã tạo thành mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh, liên hoàn, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân trong và ngoài vùng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng. Thông qua đầu tư phát triển HTGT đã tạo điều kiện cho nhân dân vùng miền núi đi lại thuận tiện, giao thương, trao đổi hàng hóa thuận lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bước đầu mang lại hiệu quả; đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được nâng lên. HTGT đã góp phần thúc đẩy kinh tế miền núi tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng. Tổng giá trị sản xuất của toàn vùng tăng bình quân 11,9%/năm, đạt khoảng 3.100 tỷ đồng (cuối năm 2017); thu nhập thực tế của người dân tăng 17%/năm, tăng từ 12 triệu đồng (năm 2015) lên 17 triệu đồng (năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm, trong đó huyện Bác Ái giảm bình quân 5,2%/năm. Bản sắc văn hoá, tín ngưỡng, tôn giáo đồng bào dân tộc sinh sống trên khu vực miền núi được giữ gìn và phát huy. An sinh xã hội được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.
Đồng chí Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết: HTGT miền núi phát triển không những tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại cho nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, giao lưu thương mại, nhất là tại các xã vùng cao, miền núi khó khăn. Đường giao thông đến đâu, bộ mặt nông thôn vùng sâu đổi thay đến đó. Hiệu quả đạt được trong công tác này đã cho thấy tầm nhìn, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nhằm hướng đến xây dựng một diện mạo mới cho những vùng quê còn khó khăn, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển theo hướng bền vững.
Tuy có sự phát triển mạnh mẽ những năm vừa qua, HTGT nông thôn vẫn còn những tồn tại, bất cập và thách thức. HTGT nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. HTGT chưa được phủ kín và chưa có sự kết nối liên hoàn từ hệ thống đường tỉnh, đường huyện xuống nông thôn nhất là đối với vùng sâu, vùng xa. Quy hoạch kết cấu HTGT chưa đồng bộ với mạng lưới giao thông nên chưa xây dựng được kế hoạch lâu dài để phát triển, điều này làm cho việc đầu tư còn tự phát, chưa có tính định hướng, gây ảnh hưởng đến việc nâng cấp, cải tạo và phát triển sau này.
Để mạng lưới HTGT miền núi phát triển làm tiền đề tạo động lực cho phát triển KT-XH miền núi nói riêng, tỉnh ta nói chung, trong thời gian tới, đồng chí Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho biết thêm: Ngành Giao thông vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu phải tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực để đầu tư xây dựng HTGT đồng bộ, tạo sự gắn kết liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, huyện, thôn xã. Tiếp tục thực hiện chính sách bê tông hóa giao thông nông thôn ở những nơi còn khó khăn, cứng hóa đường giao thông nội đồng với quy mô phù hợp. Phát triển giao thông nông thôn phải gắn kết với các kế hoạch phát triển KT-XH như xóa đói, giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời kiến nghị với Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư hoàn thiện Quốc lộ 27 nối Ninh Thuận với các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có đoạn qua các huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái, để tạo điều kiện liên kết giao thông hoàn chính, kết nối giao thương giữa đồng bằng với vùng miền núi phía Tây của tỉnh.
Xuân Bính