Phóng viên TTXVN tại Campuchia cho biết tham gia tranh cử lần này có 20 chính đảng, trong đó đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và một số đảng khác đã có nhiều hoạt động vận động cử tri mạnh mẽ.
Thủ tướng Campuchia đồng thời là Chủ tịch CPP Samdech Techo Hun Sen và phu nhân, bà Bunrany Hun Sen đã đi bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu ở trường Cao đẳng Sư phạm tại thị xã Ta Khmau, tỉnh Kandal. Trong khi đó, lãnh đạo các chính đảng khác hầu hết đều thực hiện quyền công dân của mình tại các điểm bỏ phiếu ở thủ đô Phnom Penh. Sau khi bỏ phiếu, ông Hun Sen đưa ngón tay đã được nhúng mực để chứng nhận đã bỏ phiếu theo thủ tục cho báo chí chứng kiến. Nhưng khi ra khỏi phòng phiếu, ông đã từ chối trả lời phỏng vấn của các phóng viên với lý do luật này vi phạm luật bầu cử.
Thủ tướng Campuchia tham gia bỏ phiếu.
Để bảo đảm trật tự, an toàn và an ninh tại các điểm bỏ phiếu, Bộ Nội vụ Campuchia cho biết đã có khoảng 80.000 cảnh sát, binh sỹ được triển khai.
Bên cạnh đó, theo NEC, gần 100.000 quan sát viên của 20 đảng tham gia tranh cử và 112 tổ chức dân sự -xã hội trong nước cũng như khoảng 500 quan sát viên quốc tế, đến từ 42 nước sẽ tham gia giám sát cuộc bầu cử. Ngoài ra, khoảng 900 nhà báo, trong đó có gần 100 nhà báo quốc tế, đã đến Campuchia để tác nghiệp.
Dự kiến NEC sẽ công bố kết quả sơ bộ vào ngày 11-8 trong trường hợp không có khiếu kiện buộc phải tổ chức bầu cử lại; và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 15-8 tới. Tuy nhiên, các đảng có thể công bố kết quả sơ khởi ngay trong ngày dựa trên tổng hợp của các quan sát viên của đảng mình.
HL (tổng hợp)