Theo báo cáo, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển, gồm 45 nền kinh tế, trong năm 2018 và 2019, lần lượt ở mức 6% và 5,9%. Nền kinh tế Trung Quốc đã có mức tăng trưởng 6,8% trong nửa đầu năm 2018 (giai đoạn từ tháng 1-6/2018) với nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa tăng cao cùng với đà tăng của đầu tư vào sản xuất và thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, ADB cảnh báo việc “tăng cường các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ và các biện pháp trả đũa từ (Trung Quốc) với nhiều nước khác, đặt ra rủi ro lớn cho triển vọng phát triển châu Á”.
Nhận định về từng nền kinh tế châu Á trong báo cáo của mình, ADB dự báo nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm nay và 6,4% cho năm 2019. Ngân hàng này nhấn mạnh “nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc tái cân bằng phát triển kinh tế theo định hướng tăng cường tiêu dùng nội địa vẫn đang đi đúng hướng”, trong bối cảnh xuất khẩu của nước này vẫn tăng trưởng cao nhờ sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tề toàn cầu.
Cũng theo báo cáo của ADB, kinh tế khu vực Trung Á được dự báo tăng trưởng từ 4-4,2% cho năm 2018 và 4,2-4,3% cho năm 2019, nhờ giá nguyên liệu tăng cao và tác động tích cực từ sự phục hồi kinh tế của Nga.
Trong phần nhận định về tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Nam Á, ADB điều chỉnh triển vọng tăng trưởng kinh tế Thái Lan trong năm 2018 từ 4% lên 4,2% dựa trên đà tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm. Trong khi, ADB hạ dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của Indonesia (In-đô-nê-xi-a) trong năm nay từ mức 5,3% trước đó xuống còn 5,2% do tốc độ xuất khẩu vẫn chỉ ở mức độ vừa phải.
Ngân hàng ADB được thành lập với sự đóng góp tài chính của 67 nền kinh tế thế giới, trong đó có 48 nền kinh tế thuộc châu Á và Thái Bình Dương. ADB đưa ra dự báo lần đầu về triển vọng kinh tế châu Á năm 2018 vào tháng Tư khi Mỹ chưa đưa ra mức thuế cao đánh vào nhiều loại hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, động thái dẫn đến các biện pháp đáp trả mạnh mẽ của Bắc Kinh.
HL (Tổng hợp)