Phát biểu trước các đại diện nước ngoài trong một cuộc họp tại Iran, đề cập đến áp lực về tài chính và kinh tế của Mỹ đối với Tehran, Ngoại trưởng Zarif cho hay nước Cộng hòa Hồi giáo này đã trải qua nhiều khó khăn kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, và người dân Iran đã luôn ủng hộ mạnh mẽ nhà nước trước hàng loạt sức ép. Việc gây sức ép có thể gây ra tác động tiêu cực đối với thị trường, nhưng khu vực tư nhân vẫn luôn giải quyết được các vấn đề. Ông khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực vào thị trường Iran.
Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này đã hối thúc các đồng minh ngừng nhập khẩu dầu từ Iran trước ngày 4-11. Một số công ty quốc tế ký thỏa thuận lớn với Iran trong lĩnh vực năng lượng, vận tải và xe hơi sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đã tuyên bố rời Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cùng ngày 16-7, Ngoại trưởng Iran Zarif thông báo Tehran đã gửi đơn khiếu nại tới Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về việc Mỹ áp đặt những lệnh trừng phạt đơn phương, phi pháp nhằm vào Iran. Hiện ICJ chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này. Trước đó, Tehran cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án lập trường của Washington đối với JCPOA, và cảnh báo về những hậu quả nguy hiểm của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này một cách "bất hợp pháp và đơn phương".
Liên quan thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Liban Michel Aoun (Mi-sen A-un) tuyên bố việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận mà Iran ký với nhóm P5+1 sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với sự ổn định ở khu vực Trung Đông. Theo nhà lãnh đạo Liban, JCPOA đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của khu vực, giúp Trung Đông trở thành khu vực không có các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Bên cạnh đó, Tổng thống Liban cũng hoan nghênh cam kết của các bên khác tham gia ký JCPOA trong việc tiếp tục duy trì thỏa thuận này sau khi Mỹ rút đi.
HL (Tổng hợp)