Câu hỏi đó không khiến các nhà lãnh đạo bận tâm, nhưng cách tiếp cận của họ với hội nghị thượng đỉnh lần này có thể cũng quan trọng như Hiệp ước Helsinki định hình tương lai của châu Âu.
Đạo luật cuối cùng Helsinki - tên gọi chính thức của Hiệp ước - là một thỏa thuận được 35 quốc gia tham gia ký, bao gồm các nước châu Âu, Liên Xô, Canada và Mỹ. Những điều khoản đáng chú ý nhất của hiệp ước đã thực sự khẳng định kết quả của Hội nghị Yalta năm 1945 giữa Franklin Roosevelt, Josef Stalin và Winston Churchill, trong đó thỏa thuận chia châu Âu thành 2 khối sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, với Liên Xô chi phối phần Đông Âu. Vì thỏa thuận đó, nhiều người cho rằng Điện Kremlin đã chiếm ưu thế trong cuộc gặp ở Helsinki. Toàn văn hiệp ước này đã được đăng trên báo Pravda, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tuy nhiên, Hiệp ước Helsinki cũng nêu rõ các bên tham gia ký phải tôn trọng "các quyền con người và tự do cơ bản" - một bước tiến lớn đối với khối Xô viết. Một mục của Hiệp ước xác nhận "quyền của cá nhân được biết và hành động theo các quyền của họ" đã làm phát sinh một loạt nhóm giám sát Helsinki tại Moscow, Warsaw và Prague. Tất cả các thành viên của những nhóm này đều nhanh chóng bị bắt giam; tổ chức Helsinki Watch, tiền thân của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền HRW, đã được thành lập nhằm bảo vệ các nhà hoạt động tích cực này. Tuy nhiên, việc công nhận các quốc gia có chủ quyền có nghĩa vụ tôn trọng các quyền của người dân đã dẫn đến sự xuất hiện của một phong trào góp phần vào sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu - một liên minh do Liên Xô đứng đầu được Hiệp ước Helsinki công nhận về mặt hình thức.
Trong các cuộc đàm phán về Hiệp ước Helsinki, tầm quan trọng của việc đưa nội dung về nhân quyền vào văn kiện đã được nhiều chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, đề cao. Các hồ sơ chính trị của những nhân vật đứng đầu Nhà Trắng và Điện Kremlin hiện nay cho thấy họ không chắc sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền này tại Hội nghị thượng đỉnh ở Helsinki sắp tới.
Putin, không giống như những người tiền nhiệm Liên Xô của ông, một lần nữa lại quan tâm đến việc chia cắt châu Âu, dù theo một cách khác. Ông ủng hộ một châu Âu bị tê liệt do sự nổi lên của các nhà lãnh đạo dân túy bài ngoại, một châu Âu với quyền lực đạo đức ít hơn để chỉ trích các biện pháp chuyên quyền của ông nhằm duy trì quyền lực. Và ông tìm kiếm một châu Âu bị phân tâm để không thách thức "đơn phương trừng phạt" Nga vì bảo trợ cho các hành động vi phạm nhân quyền ở miền Đông Ukraine, hay đứng đằng sau các vụ thảm sát hàng loạt ở Syria, hoặc cản trở điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học.
Đáng buồn là, Trump dường như chia sẻ mối quan tâm của Putin về một châu Âu bị chia rẽ, khi Tổng thống Mỹ công khai cổ vũ những người thách thức quyền lực của các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Angela Merkel- người phản đối những hành động vượt quá giới hạn của Nga - trong khi dọa sẽ làm suy yếu các thể chế xuyên Đại Tây Dương như NATO và nhóm G7. Thật vậy, Trump dường như ngưỡng mộ - nếu không nói là ghen tị - những nhà lãnh đạo chuyên quyền như Putin vì khả năng phớt lờ những cơ chế kiểm soát dân chủ và cân bằng quyền lực như một nền tư pháp độc lập, một nền báo chí phản biện và một xã hội dân sự mạnh mẽ.
Do đó, có nguy cơ lớn là Hội nghị thượng đỉnh Helsinki có thể chôn vùi thực sự các nguyên tắc cao cả của Hiệp ước Helsinki. Với Trump, hiệp ước mà Gerald Ford và Leonid Brezhnev đã ký ở Helsinki có thể là một trong những "thỏa thuận tồi" không đáng được tôn trọng. Trong cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Trump có thể dự tính rằng ông có thể sử dụng cuộc gặp với Putin để giảm bớt căng thẳng, tuyên bố chiến thắng và đăng dòng trạng thái trên mạng xã hội ưa thích Tweeter của ông trước khi hầu hết mọi người nhận ra rằng tuyên bố hài lòng chỉ là một trò quảng cáo, rằng nó không giải quyết được cách hành xử gây lo ngại của Nga.
Trump có thể không quan tâm đến lịch sử, nhưng lịch sử của Hiệp ước Helsinki là phương thuốc giải độc tốt nhất của chúng ta cho một kẻ phản bội ở Helsinki hiện tại. Trump có thể ít kiên nhẫn với các giá trị và nguyên tắc về nhân quyền và dân chủ mà thỏa thuận Helsinki đã khẳng định, nhưng chúng ta có trách nhiệm nhắc nhở ông về những hiểm họa trước khi ông và Putin "xé bỏ" hiệp ước này.
Theo TTXVN