Đức và Trung Quốc cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ
Tại thủ đô Berlin, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Angela Merkel để thảo luận về quan hệ song phương và hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
Trong tuyên bố chung được đưa ra tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Berlin và Bắc Kinh cam kết duy trì hợp tác đa phương và một trật tự thương mại toàn cầu dựa trên luật định. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, cả Đức và Trung Quốc đều mong muốn duy trì hệ thống các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, trong cuộc tham vấn liên chính phủ Đức-Trung lần thứ 5 do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Đức Merkel đồng chủ trì nhằm hoạch định và phối hợp sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trong 4-5 năm tới, hai bên đã thảo luận cách tiếp cận thị trường của nhau. Đây chính là mối quan tâm đang ngày một tăng của giới chức châu Âu về việc các công ty Trung Quốc dễ dàng tiếp cận và đầu tư tại châu Âu hơn là ở chiều ngược lại.
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp báo chung
với người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Tại cuộc tham vấn, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ký một dự thảo về thỏa thuận hợp tác kinh tế giữa các công ty của Đức và Trung Quốc. Thủ tướng Merkel cũng hoan nghênh việc Trung Quốc đã có nhiều động thái mở cửa thị trường để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.
Hai nhà lãnh đạo Đức và Trung Quốc cũng đã tham dự một diễn đàn về hợp tác kinh tế và công nghệ song phương.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
Đối tác cùng có lợi
Có một điều không thể phủ nhận rằng kể từ khi Đức và Trung Quốc nâng cấp mối quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện năm 2014, hai nước đã duy trì hoạt động trao đổi cấp cao thường xuyên và sâu rộng, đồng thời đẩy mạnh hợp tác thực chất song phương. Bên cạnh đó, hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề quốc tế và khu vực cũng ngày càng trở nên chặt chẽ hơn.
Về phía Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm Đức vào tháng 5 và tháng 7-2017.
Đặc biệt, vào tháng 3 vừa qua, khi bà Merkel tiếp tục được cử tri Đức bầu làm Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện chúc mừng. Chỉ hai tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng Đức Merkel đã thực hiện chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc và trở thành nhà lãnh đạo trong Liên minh châu Âu (EU) công du Trung Quốc nhiều nhất. Điều này cho thấy, trong chính sách đối ngoại của Đức, Trung Quốc là đối tác quan trọng bậc nhất của nước này.
Những chuyến thăm lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo Đức và Trung Quốc đã thể hiện rõ mối quan hệ Đối tác chiến lược chung nhiều lợi ích đã được hai bên khẳng định trong nhiều năm qua.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng nhận định rằng Trung Quốc và Đức là những quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Chính vì vậy, quan hệ hai nước đã vượt ra ngoài khuôn khổ hợp tác song phương và thực sự bước sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, chuyến thăm chính thức tới Đức lần này của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không nằm ngoài lộ trình phát triển này.
Sự kiện nhà lãnh đạo nền kinh tế đầu tàu ở châu Á và lớn thứ hai thế giới thăm Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, nhằm tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là kiếm tìm các lợi ích kinh tế cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Hiện Đức đang là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu trong 43 năm liên tiếp. Trong khi đó, Trung Quốc hiện vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Đức trên toàn cầu.
Đặc biệt, trong bối cảnh chính quyền Mỹ thực hiện các chính sách bảo hộ thương mại như thời gian qua thì sự hợp tác giữa Đức và Trung Quốc càng trở nên quan trọng hơn với cả hai nước. Theo Đại sứ Trung Quốc tại EU Trương Minh mục đích chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Đức lần này là nhằm phát đi tín hiệu rằng hai nhà xuất khẩu lớn này sẽ cùng sát cánh để đối phó với chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Trả lời phỏng vấn tờ Handelsblatt, Đại sứ Trương Minh cảnh báo Trung Quốc và châu Âu sẵn sàng tiến hành các bước để trả đũa việc Mỹ áp mức thuế mới đối với các hàng hóa nhập khẩu từ các nước đối tác. Theo ông, động thái này sẽ cho Mỹ thấy một chính sách gây leo thang xung đột thương mại sẽ chỉ gây hại.
Theo TTXVN