Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên 7 đảo nhân tạo. Nhưng mãi đến tháng 5-2017, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis mới gửi Chương trình hàng năm về hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPS) tới Nhà Trắng để phê duyệt. Kể từ đó đến nay, Mỹ đã tiến hành 7 lần FONOPS ở Biển Đông, nhiều gấp đôi so với dưới thời Tổng thống Barack Obama. Sáu trong 7 lần FONOPS đó có sự tham gia của 1 tàu chiến và 1 tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường. Chuyến thứ 7 có 2 tàu chiến, 1 tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường và 1 tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường. Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở phía Nam và Bắc quần đảo Hoàng Sa, cụ thể đảo Phú Lâm và đảo Cây ở phía Bắc, đảo Linh Côn ở phía Đông và đảo Tri Tôn ở phía Tây.
Ngoài FONOPS, Hải quân Mỹ còn thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông. Năm 2017, các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã có tới 900 ngày hiện diện ở Biển Đông, tăng khoảng 200 ngày so với năm 2016. Vào tháng 2 và 3-2018, ba nhóm tàu sân bay của Mỹ đã tiến hành tập trận ở vùng Biển Đông cùng thời điểm Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận lớn với sự tham gia của hơn 40 tàu chiến và tàu ngầm ở phía Đông đảo Hải Nam.
Chính quyền Trump tiếp tục đưa máy bay ném bom tới tham gia tuần tra ở Biển Đông. Một máy bay B-52 thuộc hạm đội ở đảo Guam đã bay thẳng đến bờ biển phía Đông Trung Quốc trước khi trở về căn cứ và một số máy bay ném bom khác cũng đã tham gia tập trận gần Okinawa của Nhật Bản. Cuối cùng, 2 máy bay ném bom B-52 đóng tại Diego Garcia ở Ấn Độ Dương đã tiến hành cuộc tuần tra xung quanh quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, hồi tháng 4 phát biểu trước Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ-Thái Bình Dương, Đô đốc Philip S. Davidson từng thừa nhận: “Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống, trừ trường hợp có một cuộc chiến tranh với Mỹ”.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump đã quyết đoán hơn nhiều trong việc triển khai khí tài của cả hai lực lượng hải quân và không quân tới Biển Đông. Sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận có cả máy bay ném bom hạt nhân H-6K bay từ đảo Phú Lâm, Mỹ đã rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC 2018). Đây là cuộc tập trận hải quân đa phương lớn nhất trên thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng J.Mattis cảnh báo sẽ có những hậu quả trước những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc. Ông lưu ý rằng, việc Mỹ rút lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC chỉ là một “hậu quả nhỏ”.
Trung Quốc có thể nhanh chóng quân sự hóa 3 sân bay ở quần đảo Trường Sa (đá Vành Khăn, rạn san hô Su Bi và đá Chữ Thập) bằng cách triển khai máy bay chiến đấu và máy bay ném bom. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể làm vậy do sự gia tăng hiện diện của Hải quân Mỹ. Hiện tại, Trung Quốc đang chờ để xem “hậu quả” tiếp theo mà Mỹ tiến hành đối với Trung Quốc sẽ là gì.
Mỹ đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) vào cuối năm ngoái, và tiếp theo vào đầu năm nay là Chiến lược Quốc phòng (NDS). Mỹ xác định Trung Quốc và Nga là những cường quốc xét lại. Trung Quốc bị lên án về những chính sách kinh tế “bóc lột” của nước này. Washington đang dần triển khai chiến lược của mình ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việc đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cũ thành Bộ tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương là tính đến hoạt động thực tế bao gồm Ấn Độ và Đông Ấn Độ Dương, ngoài Biển Đông và Tây Thái Bình Dương.
Bộ trưởng James Mattis sẽ thực hiện theo NSS và NDS để dẫn dắt các liên minh và đối tác chiến lược của Mỹ nhằm đẩy lùi sự hăm dọa và áp bức của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện cam kết duy trì sức mạnh ở khu vực Thái Bình Dương, nay được đổi tên thành Ấn Độ-Thái Bình Dương. Dự báo tình trạng căng thẳng trên Biển Đông sẽ tiếp tục gia tăng do Mỹ tăng cường hiện diện cả không quân và hải quân, đồng thời tiến hành các cuộc tuần tra khiêu khích hơn cũng như các cuộc tập trận phối hợp với các đồng minh. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sức ép trên cả ba mặt trận theo thứ tự lần lượt là Bán đảo Triều Tiên, chiến tranh thương mại và Biển Đông.
Theo TTXVN