Theo đó, Quy chế trên gồm 6 Chương, 30 Điều, quy định về đối tượng, mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức, chế độ, trình tự, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức đối thoại với nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Khi đối thoại phải đảm bảo các nguyên tắc như: Việc tổ chức đối thoại phải bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời, an toàn và hiệu quả; kết hợp giữa tuân thủ các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; khi triển khai các chương trình, đề án, dự án có liên quan đến địa bàn dân cư, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ được giao và tình hình thực tế để tổ chức đối thoại trước, trong và sau khi thực hiện để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Nội dung đối thoại bao gồm: Việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; những bức xúc, vướng mắc về quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, các nhân phát sinh tại địa phương; những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm; công tác quản lý, điều hành của cơ quan, tổ chức, đơn vị; về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định thời hạn chậm nhất là 10 ngày sau khi kết thúc đối thoại, các cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì tổ chức đối thoại phải trả lời bằng văn bản cho đại diện, tổ chức, cá nhân nêu kiến nghị về nội dung đã được cơ quan tổ chức đối thoại ghi nhận sau khi đã kiểm tra, xác minh…
B.H