Nhìn lại hoạt động KH&CN để thấy, từ việc chú trọng huy động nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ cho tỉnh, một số dự án về nông nghiệp, nông thôn được thực hiện nhanh, kết quả nghiên cứu chuyển giao kịp thời cho các địa phương áp dụng vào thực tiễn. Các dự án cấp nhà nước như “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững vùng đồng bào dân tộc Raglai đặc biệt khó khăn ở huyện Bác Ái” đã góp phần giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu hạn hán theo chủ trương của tỉnh. Nét mới của KH&CN trong những tháng đầu là dự án “Xây dựng và triển khai mô hình trồng rau an toàn bằng công nghệ thủy canh trong nhà màng phục vụ sản xuất công nghệ cao” được xúc tiến triển khai theo đúng tiến độ, hứa hẹn tạo đột phá thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Riêng các dự án cấp tỉnh, đáng kể nhất là Hội đồng KH&CN tỉnh đã nghiệm thu dự án “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen 14 giống Nopal tại Ninh Thuận”; “Xây dựng mô hình sản xuất giá thể hữu cơ từ nguồn nguyên liệu phụ phẩm nông, lâm nghiệp có sẵn tại Ninh Thuận” được đánh giá là có tính ứng dụng cao.
Nông dân xã An Hải (Ninh Phước) ứng dụng kỹ thuật thâm canh
măng tây xanh theo hướng công nghệ cao.
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Từ đầu năm đến nay, các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp tỉnh triển khai mới tập trung bám sát định hướng chỉ đạo của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu. Cụ thể, đã xây dựng mô hình mẫu, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, như: Ứng dụng Bentonite và phân bón lá nano để cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng và tiết kiệm nước tưới; nghiên cứu ứng dụng KH&CN xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nho rượu gắn với chế biến vang nho tại Ninh Thuận và Lâm Đồng; ứng dụng tiến bộ KH&KT trong chăn nuôi bò hướng thịt tại các xã khó khăn, dân tộc thiểu số; ứng dụng kỹ thuật thâm canh măng tây xanh theo hướng công nghệ cao… Ở lĩnh vực thủy sản, nhiều kết quả nghiên cứu đang được chuyển giao nhân rộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Chuyển giao giống ghẹ xanh, cua xanh, hàu cửa sông, hàu Thái Bình Dương, cá bớp, cá chim vây vàng, cá mú đen chấm đỏ… được đưa vào nuôi thương phẩm trên diện rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học đang được tập trung thực hiện đồng bộ ở tất cả các ngành, nghề. Những dự án lĩnh vực tài nguyên - môi trường đã được triển khai ứng dụng và phát huy hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của ngành, như: Xây dựng bộ dữ liệu phục vụ giám sát, dự báo, dự tính và hạn chế mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt ở vùng cực Nam Trung Bộ. Đặc biệt, qua ứng dụng kết quả đề tài khoa học đã tạo cơ sở để UBND tỉnh có những quyết sách về giảm thiểu tác động xấu đến môi trường khu vực muối Quán Thẻ, các dự án khai thác, tuyển quặng Titan trên địa bàn tỉnh.
Phát huy vai trò cơ quan thường trực, Sở KH&CN làm tốt nhiệm vụ tham mưu xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm đặc thù của tỉnh, triển khai mới dự án “Xây dựng và bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận rong sụn Ninh Thuận”. Các dự án “Nhãn hiệu chứng nhận nước mắm Cà Ná”, “Nhãn hiệu chứng nhận dê Ninh Thuận” được nghiệm thu xếp loại xuất sắc đã nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng thực phẩm đặc thù của tỉnh trên thị trường cả nước. Trong 6 tháng cuối năm, Sở KH&CN tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò của KH&CN đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, nhân rộng kết quả các đề tài, dự án KH&CN có hiệu quả vào sản xuất và đời sống.
Anh Tùng