Theo thống kê của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 93 ca sốt xuất huyết (SXH), 84 ca tay chân miệng, 57 ca thủy đậu, 110 ca quai bị, 585 ca tiêu chảy… Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các ca bệnh truyền nhiễm, nên tình hình dịch bệnh thời gian qua được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa nắng thất thường trong những ngày qua cũng như dự báo những ngày tới, nếu người dân không phòng ngừa tốt rất có thể bị nhiễm bệnh và nguy cơ bùng phát dịch hoàn toàn có thể, nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh về đường hô hấp.
Nhân viên Trạm Y tế xã Phước Thái (Ninh Phước) tiêm phòng cho trẻ em. Ảnh: Kim Thanh
Để phòng ngừa dịch bệnh, ngoài lưu ý theo dõi đưa con em trong độ tuổi đi tiêm chủng đẩy đủ trong chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm phòng đủ 10 bệnh, người dân cần giữ vệ sinh, ăn uống hợp vệ sinh, thực hiện tốt nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, rửa tay sạch cho mình và con em bằng xà phòng trước, sau khi ăn uống, chế biến thức ăn, đi vệ sinh; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh... giúp phòng các bệnh về đường ruột như tả, lị, tay chân miệng… Người dân thường xuyên vệ sinh khu vực sinh sống, phát quang bụi rậm, lật úp chai, lọ… tránh để nước đọng tạo điều kiện muỗi phát triển để phòng bệnh SXH.; cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống các loại nước trái cây nhằm bổ sung vitamin, khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng bệnh…
Ngoài ra, vào mùa hè, nhiệt độ tăng cao, nóng bức, sẽ làm tăng nguy cơ đối với các trường hợp bị bệnh tim mạch, vì vậy các đối tượng này, nhất là người già cần có chế độ nghỉ ngơi, ăn uống, rèn luyện cơ thể đều đặn để ổn định huyết áp.
Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh cho biết thêm: Ngoài chỉ đạo các tuyến tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát dịch tể trong cộng đồng, Trung tâm cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động chống dịch bệnh trong điều kiện khẩn cấp, cao điểm. Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị tốt nhân lực, vật lực để thu dung, điều trị các ca bệnh cũng như ứng phó kịp thời có dịch bệnh xảy ra. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, vừa qua, Sở Y tế cũng đã tiến hành giám sát chất lượng nước sinh hoạt và nước ăn uống một số điểm, trạm cấp nước nông thôn tại các xã xảy ra hạn hán cục bộ: Phước Trung, Phước Thành (Bác Ái) Nhơn Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải), Phước Kháng (Thuận Bắc), 11 trường học trên địa bàn tỉnh và nước giếng, nước giếng khoan của một số hộ dân tại thôn Đá Hang, Suối Le, xã Phước Kháng (Thuận Bắc). Qua đó phát hiện và yêu cầu ngành chức năng xử lý các nguồn nước không đảm bảo chất lượng theo quy định. Ngoài ra, để giúp các hộ dân tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa mà hệ thống nước sạch nông thôn chưa đến được, phải sử dụng nước từ sông, suối, ao, hồ, giếng… không bảo đảm chất lượng, cán bộ y tế địa phương thường xuyên hướng dẫn cho bà con cách lắng lọc nước thô bằng các phương pháp truyền thống như sử dụng phèn chua, than, cát, đá…; sau đó xử lý nước bằng cloramin để có nước sạch sinh hoạt, ăn uống nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân.
Uyên Thu