Cùng với chị Trần Thị Gái, cán bộ Hội LHPN xã Mỹ Sơn đến thăm gia đình chị Lưu Xuân Phụng, ở thôn Phú Thuận. Trên đường đi, chúng tôi nghe chị Gái kể nhiều về tinh thần vượt khó thoát nghèo của chị Phụng. Năm 2000, gia đình chị Phụng từ Bình Định vào đây lập nghiệp. Ban đầu, do không có đất sản xuất, anh chị tìm kế mưu sinh bằng cách đi làm thuê cho những hộ khác nên đời sống rất khó khăn. Khi đứa con thứ hai bị mắc bệnh tim bẩm sinh, vợ chồng chị Phụng càng cơ cực nhiều hơn. May mắn là cháu được Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh mổ tim miễn phí. Tuy nhiên, sau những ngày điều trị bệnh cho con, tài sản trong gia đình dần dần “đội nón ra đi”, cuộc sống gia đình càng ngặt nghèo hơn rất nhiều. Hiểu được hoàn cảnh của chị Phụng, hội viên trong Chi hội Phụ nữ thôn đã cho chị mượn 1,5 triệu đồng từ nguồn vốn xoay vòng để đầu tư xây dựng trại và nuôi gà sinh sản. Nhờ đó, chị Phụng đã vượt qua khó khăn và vươn lên ổn định cuộc sống. Trong ngôi nhà khang trang mới vừa được tu sửa, chị Phụng chia sẻ: Chi hội không những cho tôi sử dụng vốn không lãi mà còn tư vấn, định hướng cách làm ăn. Tuy nguồn vốn ban đầu không nhiều, nhưng nhờ sự tương trợ đó, tôi càng có động lực để tăng gia sản xuất, thu nhập ngày càng khá hơn. Hiện nay, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo.
Chị Lưu Xuân Phụng (tay phải) đầu tư thêm kinh doanh rau tại chợ.
Men theo con đường hẻm của thôn Phú Thuận, chúng tôi đến nhà chị Lương Thị Hạnh. Vừa gặp nhau, chị thổ lộ ngay niềm vui khi được chi hội cho vay nguồn vốn xoay vòng, giúp chị vượt qua thời điểm vô cùng khó khăn. Chị Hạnh bộc bạch: Mình làm nghề thu mua phế liệu, nên ngày nào cũng cần có vốn. Năm 2016, nếu không nhờ số vốn 1,5 triệu đồng của chị em giúp đỡ, mình phải đi vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao. Sau 3 tháng làm ăn, mình đã hoàn lại số vốn ban đầu để chi hội tiếp tục giúp đỡ các chị em khác. Tính đến nay, hình thức góp vốn xoay vòng được Hội LHPN xã Mỹ Sơn triển khai được 7 năm, với hơn 60 hội viên tham gia được chia thành 3 tổ tiết kiệm. Theo đó, mỗi hội viên đóng góp 100 ngàn đồng/quý và xoay vòng giúp cho hội viên còn khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, tổng số tiền từ nguồn vốn xoay vòng lên đến 60 triệu đồng.
Cùng với xã Mỹ Sơn, xã Lương Sơn cũng đã thực hiện hiệu quả nguồn vốn xoay vòng với số tiền hơn 200 triệu đồng, giúp đỡ cho gần 100 hội viên có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bà Võ Thị Kim Thúy, Chủ tịch Hội LHPN xã Lương Sơn, cho biết: Hội LHPN xã có 7 tổ tiết kiệm, tùy vào điều kiện kinh tế và sở thích đầu tư của từng thành viên mà các tổ sẽ triển khai thời gian, số tiền đóng góp khác nhau. Đồng thời, các tổ tiết kiệm có trách nhiệm đảm bảo nguồn vốn được chia đều cho mỗi hội viên sử dụng, trong đó, ưu tiên cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Từ giải pháp luôn sâu sát, lắng nghe, chia sẻ, kịp thời hỗ trợ, động viên tinh thần, giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn tự tin làm kinh tế gia đình, nên Hội đã trở thành chỗ dựa cho nhiều hội viên nghèo vươn lên, từng bước ổn định đời sống.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho hội viên sử dụng nguồn vốn xoay vòng, các cấp Hội LHPN huyện Ninh Sơn còn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề nông thôn, qua đó, giúp chị em sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả như mong muốn. Đồng chí Trương Thị Ngọc, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ninh Sơn nhận xét: Từ những nguồn vốn hạn hẹp, sau gần 10 năm triển khai mô hình, tổng số vốn xoay vòng của 8 xã, thị trấn trên địa bàn huyện ước tính gần 2,3 tỷ đồng, thu hút hơn 1.500 thành viên tham gia. Hiện nay, nguồn vốn này đang tiếp tục được phát triển và tạo nhiều cơ hội cho chị em có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, tạo nền nếp cho hội viên có thói quen tiết kiệm trong chi tiêu cũng như nêu cao tinh thần đoàn kết giúp nhau vươn lên phát triển kinh tế.
Lê Thi