Theo báo cáo này, sự bùng nổ về dân số thành thị sẽ tập trung ở một số quốc gia nhất định. Chỉ tính riêng Ấn Độ, Trung Quốc và Nigeria cộng lại sẽ chiếm 35% tốc độ tăng ại các khu vực thành thị trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2050. Dân số của các thành phố ở và thị trấn tại những nước này sẽ tăng thêm lần lượt là 416 triệu người, 255 triệu người và 189 triệu người. Báo cáo nêu rõ số người sinh sống tại các khu vực thành thị trên toàn thế giới đang gia tăng nhanh chóng, từ chỗ chỉ có 751 triệu người hồi năm 1950 lên đến 4,2 tỷ người vào năm 2018. Mặc dù có tốc độ đô thị hóa thấp hơn, song châu Á chiếm tới 54% số cư dân thành thị của thế giới, tiếp theo là châu Âu và châu Phi với mỗi châu lục chiếm 13%.
Cũng theo báo cáo trên, do làn sóng di cư từ nông thôn lên thành thị và tốc độ tăng trưởng dân số nói chung, thế giới sẽ có 43 siêu thành phố vào năm 2030 với mỗi siêu thành phố có hơn 10 triệu dân sinh sống. Tokyo (Nhật Bản) hiện là thành phố đông dân nhất hành tinh với 37 triệu cư dân, tiếp theo là New Delhi (Ấn Độ) với 29 triệu, Thượng Hải (Trung Quốc) với 26 triệu, Sao Paulo (Xao Pao-lô, Brazil) ) và Mexico City (Mexico), mỗi thành phố có 22 triệu người. Các thành phố khác như Cairo (Ai Cập), Mumbai (Mum-bai, Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc) và Dhaka (Bangladesh) đều đang ngấp nghé ngưỡng 20 triệu dân.
Báo cáo nêu trên do Cơ quan Dân số của LHQ tiến hành, dự đoán dân số của Tokyo sẽ bắt đầu giảm trong 2 năm tới và thay vào đó, New Delhi sẽ trở thành thành phố đông dân nhất thế giới.
Theo TTXVN