Vòng xoáy bạo lực mới giữa Israel và Iran ở khu vực biên giới Syria bùng phát khi Israel cáo buộc các lực lượng Iran tiến hành tấn công bằng tên lửa từ Syria nhằm vào các lực lượng Israel ở Cao nguyên Golan, và Israel đã đánh trúng hàng chục "mục tiêu Iran" tại Syria. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột tại khu vực Trung Đông vốn đầy mâu thuẫn và bất ổn.
Israel tấn công vào các vị trí quân sự của Iran tại Syria
Ngày 10-5-2010-5, quân đội Israel đã tiến hành các vụ tấn công bằng rocket và tên lửa nhằm vào các “mục tiêu Iran” tại khu vực biên giới Syria với lý do đáp trả việc đơn vị đặc nhiệm al-Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại Syria tấn công tên lửa vào các căn cứ quân sự của Israel ở Cao nguyên Golan đêm 9-5. Tuy nhiên, một nguồn tin quân đội Syria lại khẳng định Israel đã bắn tên lửa trước.
Phát biểu trong một cuộc họp nội các cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (Ben-gia-min Ne-ta-ni-a-hu) cho biết vụ tấn công nhằm vào các vị trí quân sự của Iran là một thông điệp rõ ràng đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ba-sa An Át-xát) rằng không được tấn công Israel. Ông Netanyahu cũng cáo buộc Iran phóng tên lửa từ Syria nhằm vào các lực lượng Israel, tuyên bố Tehran đã vượt qua "lằn ranh đỏ" buộc Israel phải hành động đáp trả.
Ngay sau khi quân đội Israel tiến hành các vụ tấn công nhằm vào các vị trí quân sự của Iran tại khu vực biên giới Syria, Tổng thống Iran Hassan Rouhani (Hát-xan Râu-ha-ni) khẳng định, Tehran không muốn có "những căng thẳng mới" tại Trung Đông. Tuyên bố trên trang web của Tổng thống Iran cho biết trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken), ông nêu rõ: "Iran vẫn luôn tìm cách xoa dịu những căng thẳng trong khu vực, nỗ lực tăng cường an ninh và ổn định". Tuy nhiên, Tổng thống Rouhani không đề cập đến vụ không kích của Israel nhằm vào cái mà Tel Aviv gọi là những mục tiêu Iran tại Syria, cũng như các đợt tấn công nhằm vào Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng mà nước này cáo buộc do Iran tiến hành.
Người đứng đầu Ủy ban An ninh quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran, ông Alaeddin Boroujerdi (A-la-ê-đin Bô-râu-déc-đi), đã lên án cuộc không kích, cảnh báo "Israel đang tham gia một trò chơi nguy hiểm".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố các vụ không kích của Israel nhằm vào các “mục tiêu Iran” tại Syria đánh dấu một "giai đoạn mới" trong cuộc xung đột kéo dài 7 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.
Cộng đồng quốc tế quan ngại
Trước diễn biến leo thang căng thẳng quân sự giữa Israel và Iran tại khu vực biên giới Syria, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ quan ngại và kêu gọi các bên trong khu vực kiềm chế
Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-te-rết) đã bày tỏ quan ngại trước các diễn biến tại Syria đồng thời hối thúc các bên ngay lập tức chấm dứt mọi hành vi thù địch và bất kỳ hành động khiêu khích nào nhằm tránh một cuộc leo thang mới tại khu vực, vốn đã chìm sâu trong cuộc xung đột tồi tệ. Ông Guterres kêu gọi Hội đồng Bảo an tiếp tục tích cực theo sát tình hình khu vực và thực thi trách nhiệm của mình theo Hiến chương LHQ đồng thời khẳng định ông sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với tất cả các thành viên LHQ trong vấn đề này.
Tuyên bố của người phát ngôn LHQ, ông Stephane Dujarric, cũng cho biết Lực lượng Quan sát viên không can dự của LHQ (UNDOF) vẫn duy trì liên lạc với Lực lượng Vũ trang Arab Syria và Lực lượng Phòng không Israel, hối thúc cả hai bên hết sức kiên nhẫn và tuân thủ những nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế.
Liên minh châu Âu (EU) cho rằng tình hình căng thẳng giữa Israel và Iran rất đáng lo ngại và kêu gọi tất cả các bên trong khu vực kiềm chế.
Từ Đức, Thủ tướng Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) cảnh báo sự leo thang các hành động thù địch mới nhất ở Trung Đông liên quan đến Iran và Israel là vấn đề về "chiến tranh và hòa bình" ở khu vực này. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức kêu gọi các bên tránh có thêm hành động leo thang căng thẳng.
Chung quan điểm trên, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May (Thê-rê-xa Mây) cũng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng căng thẳng giữa Iran và Israel, đồng thời kêu gọi Nga sử dụng ảnh hưởng của mình tại Syria để ngăn chặn bất kỳ hành động tấn công tiếp theo của Iran vào Israel.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Em-ma-nuy-ên Ma-crông) cho biết: "Tổng thống được cập nhật tình hình thường xuyên. Ông Macron kêu gọi sự giảm leo thang căng thẳng". Điện Elysee cho biết thêm Tổng thống Macron sẽ thảo luận vấn đề Trung Đông trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Merkel.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Đmi-tơ-ri Pê-xcốp) bày tỏ hy vọng về một giải pháp ngoại giao và chính trị cho tình hình căng thẳng đang gia tăng giữa Iran và Israel sau các vụ đáp trả lần nhau bằng tên lửa của 2 quốc gia Trung Đông này.
Phát biểu họp báo ở thủ đô Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Xéc-gây La-vrốp) nhấn mạnh tất cả các vấn đề cần được giải quyết thông qua đối thoại, đồng thời hối thúc Israel và Iran tránh những hành động có thể làm leo thang xung đột.
Trong khi đó, Mỹ và Bahrain lại lên tiếng bênh vực cái gọi là "quyền phòng vệ" của Israel trước Iran. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết Mỹ quan ngại về các vụ tấn công tên lửa nhằm vào các lực lượng Israel mà Iran bị cáo buộc tiến hành ở Cao nguyên Golan, đồng thời ủng hộ "quyền phòng vệ" của Tel Aviv. Washington nêu rõ việc triển khai các hệ thống tên lửa tấn công tại Syria nhằm vào Israel là diễn biến làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông.
Chung quan điểm trên, Ngoại trưởng Bahrain Sheikh Khalid al-Khalifa (Sê-ích Kha-lít An Kha-li-pha) đã lên tiếng bênh vực Israel khi quân đội nước này tấn công đáp trả nhằm vào các mục tiêu quân sự của Iran ở Syria.
Nguy cơ xung đột
Israel coi Iran là một mối đe dọa lớn nhất ở khu vực, trong khi chính quyền Tehran lại là đồng minh lớn của Syria. Cả Syria và Iran đều coi mình thuộc liên minh chống lại ảnh hưởng của Mỹ và Israel ở khu vực Trung Đông. Khi cuộc nội chiến tại Syria nổ ra năm 2011, Iran đã triển khai hàng trăm binh lính tới nước này làm cố vấn quân sự hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad. Hàng nghìn tay súng được Iran huấn luyện, chủ yếu từ phong trào đồng minh Hezbollah ở Liban, cũng đang chiến đấu bên cạnh quân đội Syria chống lại các nhóm phiến quân. Việc Iran có lực lượng ủy nhiệm ở Syria đã khiến Israel - nước có biên giới với Syria - lo ngại Iran đang biến Damascus thành một mặt trận mới chống lại nước này. Ngoài ra Israel cũng lo ngại khi vị thế của chính quyền của Tổng thống al-Assad ngày càng trở nên vững chắc, Iran sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự tại Syria mà có thể giúp Tehran đối đầu với Israel trong tương lai.
Trên thực tế, Israel vẫn luôn tuyên bố sẽ không để yên cho Iran mở rộng ảnh hưởng ở Syria nhằm tiếp cận, bao vây mình. Chính vì vậy, thời gian qua Israel đã tăng cường phòng thủ bằng cách liên tục thực hiện những hành động đối đầu trực tiếp với lực lượng Iran. Tháng 2 vừa qua, quân đội Israel đã bắn hạ một máy bay không người lái có vũ trang của Iran được cho là xâm phạm không phận Israel, và liền sau đó tấn công một trung tâm điều khiển máy bay không người lái của Iran đặt tại căn cứ không quân T-4 ở Syria.
Ngày 9-4, 2 chiếc máy bay chiến đấu F-15 của Israel thả bom GBU-39 nhằm vào căn cứ không quân T-4 của Iran ở Syria khiến 7 người Iran thiệt mạng, trong đó có Đại tá Mehdi Dahqan Yazdli thuộc IRGC, chỉ huy căn cứ máy bay không người lái T-4. Tiếp đó, đêm 29-4, Israel tiếp tục sử dụng bom GBU-39 tấn công vào một căn cứ không quân của Iran ở miền Trung Syria khiến 26 người thiệt mạng và nhiều máy bay bị phá hủy hoàn toàn.
Việc Israel tấn công vào các vị trí quân sự của Iran tại Syria lần này làm dấy lên lo ngại về một cuộc đáp trả của Iran cũng như nguy cơ về một cuộc xung đột trầm trọng tại khu vực. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả và hệ lụy khôn lường.
Theo TTXVN