1. Liên hợp quốc cảnh báo sự trỗi dậy của chủ nghĩa Đức quốc xã.
Ngày 9-5, phát biểu tại một cuộc triển lãm nhân kỷ niệm 73 năm Ngày kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo chủ nghĩa Đức quốc xã kiểu mới là “khối u đang di căn”. Ông nhấn mạnh ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh thế giới năm nay có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến quá nhiều cuộc xung đột và chiến tranh. Do đó, ông nhắc nhở các nước cần đặc biệt ghi nhớ tất cả những bài học của cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2 mà với người dân Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay là cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh đến những tổn thất, mất mát to lớn của Liên Xô trong cuộc chiến tranh này, nước đã hy sinh nhiều nhất trong cuộc chiến chống lại Đức quốc xã. Ông nhắc lại “những sự tàn phá thảm khốc nằm ngoài sức tưởng tượng” và nhấn mạnh “cần phải đảm bảo rằng trên thế giới này, những sự kiện như vậy sẽ không xảy ra nữa”. Tổng thư ký Liên hợp quốc báo động rằng những thông điệp Đức quốc xã kiểu mới gần đây đã trỗi dậy và viện dẫn những phong trào chính trị tự nhận là Đức quốc xã kiểu mới hay sử dụng những biểu tượng và ngôn ngữ thù địch của Đức quốc xã. Ông cảnh báo đây là một khối u ác tính đang bắt đầu phát triển và di căn, và nhiệm vụ của thế giới là thủ tiêu căn bệnh khủng khiếp này.
2. Mỹ, Trung Quốc tiếp tục giải quyết bất đồng thương mại.
Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết Mỹ hy vọng sẽ tháo gỡ được bất đồng lớn về thương mại với Trung Quốc trong các cuộc thảo luận song phương. Phát biểu trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 10-5, ông Ross thông báo một phái đoàn cấp cao của Trung Quốc sẽ đến thủ đô Washington trong tuần tới, đồng thời hy vọng sẽ đạt được bước tiến xa hơn trong cuộc họp với phái đoàn này. Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết thêm giới chức nước này đã lập một danh sách chi tiết yêu cầu Trung Quốc thay đổi chính sách thương mại theo từng sản phẩm và số lượng. Theo ông Ross, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị Bộ Nông nghiệp thực hiện mọi biện pháp có thể nhằm giảm tác động của việc một số mặt hàng xuất khẩu của Mỹ bị áp đặt mức thuế nhập khẩu cao hơn khi vào thị trường Trung Quốc.
Trong nỗ lực giảm bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới, giới chức hai nước dự kiến sẽ nhóm họp tại Washington trong ngày 11/5. Cuộc họp này diễn ra tiếp sau cuộc đàm phán thương mại cấp cao hồi tuần trước tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) và là bước chuẩn bị cho chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tới Washington.
3. EU quyết tâm bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngày 8-5, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố EU xác định bảo toàn thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận này.
Bà Mogherini nhấn mạnh thỏa thuận năm 2015 đã đạt được mục đích là đảm bảo Iran không phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi nhân dân Iran và các lãnh đạo nước này tôn trọng thỏa thuận sau quyết định của Tổng thống Mỹ. Đại diện cấp cao EU cũng bày tỏ đặc biệt lo ngại trước thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về những lệnh trừng phạt mới đối với Iran và khẳng định EU sẽ hành động để bảo vệ những lợi ích kinh tế của mình.
Các nước châu Âu gồm Anh, Pháp Đức đã tiến hành một chiến dịch thuyết phục Tổng thống Mỹ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran với lập luận rằng đây là phương án hiệu quả nhất để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại khi ông Donald Trump tuyên bố Mỹ rút lui khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt vốn đã được nới lỏng để Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Bà Mogherini đánh giá miễn là Iran tiếp tục thực hiện các cam kết liên quan đến chương trình hạt nhân như họ đã và đang làm, EU sẽ tiếp tục thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả các nội dung của thỏa thuận hạt nhân với nước này. Bà cũng nhấn mạnh EU hoàn toàn tin tưởng vào công việc, thẩm quyền và sự độc lập của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khi cơ quan này đã công bố 10 báo cáo xác nhận rằng Iran đã hoàn toàn tuân thủ các cam kết của mình.
CĐ