Cách tiếp cận BRI của Nhật Bản và bài học cho Ấn Độ

Ấn Độ nên học tập Nhật Bản và không tham gia quá sâu vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Thái độ lãnh đạm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nhật Bản đã buộc Tokyo phải tính đến khả năng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh. Thời gian gần đây, dường như cả hai bên đều có chung mong muốn hợp tác với nhau trong một số vấn đề quan trọng - chiến lược và kinh tế - chẳng hạn như vấn đề Triều Tiên và tác động của chính sách thuế quan mà Trump áp đặt với cả hai nền kinh tế này.

Cách tiếp cận của Nhật Bản

Trong chuyến công du Nhật Bản mới đây của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị-lần đầu tiên sau 9 năm mới có một ngoại trưởng Trung Quốc đến Nhật - cả Nhật Bản và Trung Quốc đều nói về tầm quan trọng của sự hợp tác chung trong vấn đề Triều Tiên.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã bình luận về thỏa thuận sơ bộ mà hai bên đã đạt được, trong đó nhấn mạnh “để thiết lập sự phi hạt nhân hóa toàn diện, được kiểm định và không thể đảo ngược tại Triều Tiên, chúng tôi đã nhất trí tiếp tục thực thi đầy đủ tất cả các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và hợp tác chặt chẽ với nhau”.

 

Đáng chú ý là, Đối thoại Kinh tế Trung-Nhật được tổ chức sau một giai đoạn kéo dài 8 năm. Ngoài vấn đề thuế quan Mỹ, cả Nhật Bản và Trung Quốc còn quyết định hợp tác trong việc đẩy mạnh toàn cầu hóa, vốn mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Điều đặc biệt quan trọng là thực tế rằng hai bên đã thảo luận về triển vọng hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước thứ ba. Thật vậy, ông Vương Nghị đã mời gọi Nhật Bản cân nhắc việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Ngoại trưởng Nhật Bản Kono cho biết đất nước ông sẵn sàng tham gia những phần việc của dự án có sự đồng bộ với các tiêu chuẩn của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi đề cập đến việc thực hiện kế hoạch hành động của Nhật Bản và Trung Quốc cách đây vài tháng cũng đã nói về khả năng Nhật Bản tham gia BRI: “Tôi tin tưởng Nhật Bản sẽ có khả năng hợp tác tốt với Trung Quốc, nước đã và đang đẩy mạnh sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Ông Abe tuyên bố rằng điều này chỉ có thể hiện thực hóa trong một khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Ông khẳng định sự hợp tác như vậy sẽ có lợi cho người dân châu Á, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc cần đảm bảo rằng các dự án của họ phải minh bạch hơn. Đặc biệt, Nhật Bản cũng từng nói rằng họ không phản đối Hành lang Kinh tế Trung Quốc- Pakistan (CPEC), vốn là cốt lõi của sự bất đồng giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đại sứ Nhật Bản tại Pakistan Takashi Kurai trong một bài thuyết trình tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Islamabad hồi tháng 11-2017 đã nói: “Chúng tôi không phản đối CPEC, chúng tôi hoan nghênh sáng kiến này, nhưng đồng thời chúng tôi cũng tin rằng dù dự án này thực hiện cái gì thì cũng phải dựa trên sự minh bạch, cởi mở và phải giải trình đầy đủ. Chúng tôi từng nói rõ rằng chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ việc xúc tiến dự án này”.

Sự cởi mở của Nhật Bản đối với BRI rất đáng chú ý trong bối cảnh họ cũng đang xúc tiến những dự án thay thế, chẳng hạn như Quan hệ đối tác vì Chất lượng Cơ sở Hạ tầng (PQI) với Ấn Độ và Nhật Bản là các đối tác. Hai quốc gia này đang hợp tác trong các dự án tham vọng như Hành lang Tăng trưởng Á-Phi. Ngay cả trong khuôn khổ của “Chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương”, Nhật Bản cũng đang tìm cách hợp tác với các nước thành viên khác của nhóm Tứ giác (với Mỹ, Ấn Độ, Australia) trong các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Bài học cho Ấn Độ

Sự cởi mở của Nhật Bản đối với BRI đem lại những bài học quan trọng cho Ấn Độ, cụ thể là nó không cần phải quá sát với ý niệm chung. Trong vài tháng qua, một số bước đi quan trọng đã được thực thi để đưa mối quan hệ Ấn-Trung trở lại quỹ đạo, trong đó quan trọng nhất là chuyến thăm mới đây của Thủ tướng Narendra Modi đến Trung Quốc để thực hiện một cuộc gặp không chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Vũ Hán.

Tập Cận Bình cho biết “Trung Quốc và Ấn Độ đều là những đầu máy quan trọng đối với sự tăng trưởng toàn cầu và chúng ta là những trụ cột chính trong việc xúc tiến một thế giới đa cực và toàn cầu hóa”.

Về phần mình, Modi đã lặp lại quan điểm của Tập, cho rằng sự hợp tác mạnh mẽ hơn là điều cấp thiết. Ông nói: “Với thực tế là Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tới 40% dân số toàn thế giới, hai nước cần nỗ lực hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu”.

Những bất đồng về BRI hẳn sẽ không thể dễ dàng giải quyết, dù một số tiến triển tích cực đã được thực hiện. Chẳng hạn, hai bên đều đã nói về triển vọng của một dự án chung tại Afghanistan. Mấu chốt trong sự phản đối của Ấn Độ đối với BRI là CPEC, vốn đi qua vùng lãnh thổ tranh chấp. New Delhi đã hơn một lần trình bày những lo ngại của mình về vấn đề này. Bắc Kinh cũng nói rằng họ sẵn sàng giải tỏa những quan ngại của Ấn Độ và chỉnh sửa lại dự án. Tại Diễn đàn Bác Ngao vừa qua, Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng giải quyết những mối lo ngại của các nước khác xung quanh BRI và đảm bảo rằng sáng kiến này không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.

Tại Đối thoại Kinh tế và Chiến lược lần thứ 5 tại Bắc Kinh, Trung Quốc không đưa ra được câu trả lời thuyết phục cho phía Ấn Độ. Về phần mình, Ấn Độ cũng không ủng hộ thông cáo được đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác thượng Hải (SCO) tại Bắc Kinh.

Như một hậu quả của những căng thẳng với Trung Quốc và sự bất đồng về CPEC, Ấn Độ cũng tỏ ra lãnh đạm với Hành lang Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar (BCIM). Những cuộc tranh cãi xung quanh dự án này đã nổ ra giữa các học giả từ Ấn Độ và Trung Quốc trong suốt gần hai thập kỷ. Trung Quốc nhấn mạnh rằng BCIM là một phần của BRI, trong khi Ấn Độ nói BCIM có trước sáng kiến của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, New Delhi không nên tham gia quá chặt chẽ vào dự án này chỉ vì nó có lợi cho Ấn Độ, đặc biệt là Đông Ấn Độ, và bổ trợ cho Chính sách Hướng Đông của New Delhi. Tóm lại, Ấn Độ, vốn đang tìm cách chỉnh sửa lại mối quan hệ với Trung Quốc, nên học tập từ Nhật Bản và không tham gia quá sâu vào BRI. New Delhi nên thể hiện một mức độ thực dụng nào đó với BRI và mời gọi các bên liên quan (đặc biệt là các chính quyền bang như Tây Bengal, có thể được hưởng lợi từ các dự án như BCIM) tham gia dự án. Khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương đang chứng kiến những thay đổi đáng kể, và không thỏa mãn một cách linh hoạt mục tiêu của bất cứ bên nào.