Phát triển mạng lưới y tế rộng khắp
Những năm đầu tái lập tỉnh, ngành Y tế tỉnh nhà đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, mà nổi cộm là cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu, nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu. Để nhanh chóng khôi phục, ổn định hoạt động, trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh, ngành Y tế bắt tay vào sắp xếp, củng cố lại mạng lưới, tập trung tuyển dụng, rèn luyện tay nghề, y đức cho đội ngũ thầy thuốc ... Ngoài việc củng cố hoạt động, tổ chức 3 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Ninh Hải, Bệnh viện Ninh Phước, ngành Y tế thành lập mới một số đơn vị như: Trạm Vệ sinh phòng dịch, Trạm Sốt rét, Trạm Chuyên khoa Mắt, Trạm Chuyên khoa Lao, Trạm Chuyên khoa Da liễu; tiếp đó là củng cố, phát triển hệ thống trạm y tế… nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vượt qua bao khó khăn, thách thức, huy động từ nhiều nguồn lực, đến nay, mạng lưới y tế được đầu tư phủ đều, rộng khắp, với cơ sở vật chất, trang thiết bị khá khang trang, đồng bộ, hiện đại.
Đội ngũ y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đầu tư, ứng dụng kỹ thuật y tế
hiện đại phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Ảnh: V.M
Toàn tỉnh hiện có 18 đơn vị y tế tuyến tỉnh; 7 đơn vị tuyến huyện, mỗi đơn vị có phòng y tế, trung tâm y tế và các phòng khám đa khoa khu vực. Đối với tuyến xã, nếu trước đây nhiều địa phương hầu như trắng về y tế thì đến nay 65/65 xã, phường đều có trạm y tế. Trước năm 2000 không có bác sỹ ở trạm y tế, thì nay 41/65 trạm có bác sĩ. Ngoài ra còn có mạng lưới y tế thôn bao gồm nhân viên y tế thôn, cô đỡ thôn tại các thôn thuộc địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 75,3%. Thông qua các chính sách đào tạo, đãi ngộ thu hút nhân tài, nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế hiện là 1.699 người, trong đó có 135 người trên đại học; 558 người có trình độ đại học, cao đẳng, đạt 7,8 bác sĩ/vạn dân. Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, công tác xã hội hóa, tạo điều kiện thành lập, hoạt động cho các cơ sở y tế tư nhân cũng được ngành khuyến khích phát triển.
Nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, công tác y tế dự phòng được đặt lên hàng đầu. Ngoài đẩy mạnh các chương trình mục tiêu quốc gia, tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế tích cực chỉ đạo cho các cơ sở y tế, đặc biệt các trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, y tế thôn đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động; tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm vững tình hình dịch tễ trong cộng đồng để phát hiện, xử lý kịp thời ổ dịch, hạn chế tối đa dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng. Ý thức phòng dịch bệnh của người dân không ngừng được nâng cao. Nếu trước đây, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn người dân khi bị bệnh chỉ biết đi mời thầy cúng để "giải bệnh"; phụ nữ có thai không đến trạm để khám thai, đến lúc đẻ thì nhờ bà mụ đỡ đẻ tại nhà, vì vậy tai biến sản khoa rất cao. Nhưng đến nay, bà con có nhận thức tốt hơn, hễ có bệnh thì đến trạm y tế khám, lấy thuốc về uống; sinh đẻ thì đến trạm để đẻ hoặc có cô đỡ đến tận nhà thăm khám và đỡ đẻ. Bà con có ý thức hơn trong vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường sống để phòng ngừa dịch bệnh... Nhờ đó, những năm qua, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm dần và đặc biệt tỷ lệ tai biến sản khoa cũng giảm hẳn.
Đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Sơn quan tâm
chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Phan Hiếu
Cùng với tăng cường phòng, chống dịch bệnh, việc nâng cao năng lực khám và điều trị cho các cơ sở y tế được quan tâm đẩy mạnh. Bên cạnh đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, tỉnh hết sức quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo bác sĩ giỏi và đặc biệt tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật chuyên môn sâu, kỹ thuật mới, nhất là cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh thông qua các đề án: Bệnh viện vệ tinh, 1816... Đến nay, bệnh viện đã thực hiện được trên 250 kỹ thuật của tuyến Trung ương. Đặc biệt, hơn 1 năm đi vào hoạt động, dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, đến nay, Đơn vị tim mạch can thiệp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có thể tự thực hiện kỹ thuật chụp mạch vành và một số kỹ thuật cao trong điều trị bệnh tim mạch. Đây là một trong những thành tựu quan trọng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, góp phần tạo uy tín, nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho y tế tuyến tỉnh.
Ngoài việc nâng cao chất lượng chuyên môn, ngành Y tế quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ y tế rèn luyện y đức; thực hiện “Đổi mới phong cách, tinh thần thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh của nhân viên y tế”; thành lập, nhân rộng mô hình ”Tiếp sức người bệnh” tại các bệnh viện nhằm đáp ứng ngày càng cao yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Thời gian đến, ngành Y tế tăng cường các hoạt động y tế dự phòng, kiểm soát dịch bệnh, không để xảy ra dịch lớn, quản lý các bệnh không lây nhiễm, an toàn thực phẩm. Tiếp tục củng cố bộ máy tổ chức, trong đó tập trung thực hiện Đề án Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; triển khai Đề án Phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên bệnh viện hạng I, quy mô 1.000 giường bệnh. Tăng cường thu hút, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực y tế, nhất là đối với các chuyên ngành còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh các giải pháp thực hiện tốt cải tiến chất lượng bệnh viện, nâng cao ý thức đổi mới tinh thần, thái độ làm hài lòng người bệnh. Trước mắt, phấn đấu đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 51/65 xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; 70,8% trạm y tế có bác sĩ làm việc; tỷ lệ giường bệnh đạt 26,5 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ bác sĩ đạt 8 bác sĩ/vạn dân; trên 98% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ...
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết, ngành Y tế sẽ thực hiện tốt các mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và Nghị quyết 20 của Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Uyên Thu