Về thôn Là A giữa những ngày cuối tháng Tư, chúng tôi gặp nghệ nhân Tạ Yên Lơ đang chế tác kèn bầu (Sarakel, tiếng Raglai) dưới bóng me xanh mát trước sân nhà. Anh tỉ mỉ mài hòn đá núi có màu hồng nhạt thành bột mịn hòa nước bôi lên những chiếc lá đồng rất mỏng gắn vào ống là a. Ngừng tay mài đá, anh Lơ nói: Đá núi có tên gọi Patâu Sarakel, chỉ có độ mịn và độ dẻo của loại đá này mới tạo nên âm thanh mượt mà đúng giai điệu cho lưỡi đồng trong chiếc kèn bầu. Tôi tập trung thời gian hoàn thành chiếc kèn bầu mới cho anh em gia tộc thổi phục vụ lễ cúng cầu mưa vào cuối tháng Tư năm nay. Đây là lễ cúng truyền thống hàng năm của tộc họ Tain ở Phước Hà cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn thắng lợi, gia đình bình an.
Nghệ nhân Tạ Yên Lơ biểu diễn kèn bầu.
Tà Yên Lơ được nghệ nhân Bàlo Túi ở thôn Là A truyền dạy chế tác và biểu diễn kèn bầu. Để chế tác chiếc kèn bầu, anh dày công sưu tầm trái bầu già có chiều dài khoảng 30 cm và tỉ mỉ mài 6 lá đồng dài 2 cm mỏng như lá lúa lắp vô 6 ống là a đường kính khoảng 1 cm. Tà Yên Lơ mất 10 ngày kỳ công lắp đặt, cân chỉnh âm thanh chiếc kèn bầu khi thổi lên nghe có hồn có vía rồi ở lại mãi với lòng người. Tiếng kèn bầu gắn kết tình cảm thân thiết của bà con thôn xóm vào những dịp ăn mừng lúa mới, lễ hội, cưới hỏi, bỏ mả, bạn bè đến nhà thăm chơi. Kèn bầu có thể biểu diễn độc tấu hoặc hòa chung “lời ăn tiếng nói” với mã la, tù và, chapi, trống đất tạo nên âm vang núi rừng đặc sắc làm quyến rũ lòng người. Ngoài kèn bầu, anh còn chế tác đàn chapi, đàn bầu, kèn gadet (kèn sừng trâu), trống đất, cân chỉnh âm thanh cho mã la. Đặc biệt, Tà Yên Lơ là nghệ nhân duy nhất hiện nay ở xã Phước Hà biết chế tác cây nêu biểu tượng tâm linh của đồng bào Raglai trong nghi lễ ăn đầu lúa mới (Bbâk Akok Padai). Anh được người cha ruột là ông Tạ Yên Ló truyền nghề chế tác cây nêu phục vụ nghi lễ cho bà con địa phương. Tạ Yên Lơ là tác giả của cây nêu đại diện đồng bào Raglai tỉnh ta tham dự Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam, diễn ra tại Quảng Nam vào tháng 6- 2017.
Trao đổi với Tà Yên Lơ, chúng tôi được biết tuổi thơ của anh được nuôi dưỡng trong gia đình giàu truyền thống âm nhạc dân gian Raglai ở xã Phước Hà. Từ lúc lên 9- 10 tuổi, anh được ông ngoại là Tain Lo và mẹ ruột là bà Tain Thị Tin dạy biểu diễn nhạc cụ mã la. Bà Tin là nghệ nhân phụ trách mã la mẹ của đội mã la nữ thuộc tộc họ Tain. Nhờ sự sáng dạ và lòng đam mê nhạc cụ truyền thống của ông bà, Tạ Yên Lơ “nằm lòng” các bài bản mã la. Với phong cách biểu diễn “nhập tâm”, anh đánh thành tạo các bài bản truyền thống như: Răq Ia (Theo nước), Chip Yâu (Chim kêu), Budi Tuih (Chim Rù Rì), Peq bok Rupai (Hái trái đậu), Tikay aday nao kajăp karo (Cái chân em đi mạnh giỏi), Kalak Toah Ia (Ó đi tìm nước), Sia (Đoàn tụ)…Khi đến tuổi thanh niên, anh trở thành nhạc công chính của đội văn nghệ quần chúng xã Phước Hà, tham gia biểu diễn phục vụ các lễ hội truyền thống và các ngày lễ lớn tại địa phương. Tạ Yên Lơ truyền dạy biểu diễn mã la cho 26 thanh thiếu niên tộc họ Tain, tích cực góp phần bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai. Đội mã la tộc họ Tain do anh truyền dạy xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Trình diễn nhạc cụ mã la đồng bào Raglai tỉnh Ninh Thuận năm 2017.
Bà Tạ Yên Thị Cam, Chủ tịch UBND xã Phước Hà nhận xét: Anh Tạ Yên Lơ là nghệ nhân đa tài tiêu biểu ở địa phương, tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa của đồng bào Raglai. Anh chế tác và biểu diễn nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình và truyền dạy cho thanh-thiếu niên biểu diễn thành thục mã la. Lãnh đạo xã thống nhất đề nghị cấp trên phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho Tạ Yên Lơ do anh có nhiều công lao đóng góp cho phong trào văn hóa, văn nghệ dân gian địa phương.
Sơn Ngọc