Tuy nhiên, cổ nhân từng đúc kết: “Lấy oán trả oán thì oán càng chồng chất. Lấy ơn trả oán thì oán bị tiệt tiêu”. Vậy nên ta hãy bỏ qua cho họ, cũng có thể là họ vô tình hoặc có thể vì cái tôi của họ quá lớn khiến họ phải hành xử như vậy, sự oán hận hay bực dọc ở trong lòng càng làm cho tâm hồn ta thêm trĩu nặng mà thôi.
Điều ai cũng biết, đã tha thứ thì không cần phải xác định điều đúng hay sai, mà đó chính là sự chấp nhận và cảm thông. Nếu chỉ vì những lời nói hay hành động thiếu thiện chí mà ta cứ cố chấp, oán giận thì chẳng khác nào ta đang giữ trong cơ thể mình một liều thuốc độc. Nhưng nếu ta rộng lượng bỏ qua thì nó sẽ biến thành một liều thuốc giải, khiến tâm ta bình an hơn, hồn ta nhẹ nhàng hơn… bởi tha thứ không phải chỉ là điều chúng ta nên cho đi, mà còn là điều mà ta nên tìm kiếm.
Thực sự, tha thứ chính là một loại sức mạnh tinh thần. Tha thứ không phải vì yếu đuối, nhu nhược, dĩ hoà vi quý, càng không phải là đầu hàng hoặc chấp nhận buông xuôi. Tha thứ chính là đặt mình lên trên vị trí người khác để thắp sáng nét bao dung. Có câu “Lùi một bước, biển rộng trời cao”. Nếu ai đó thực sự có thể lùi lại, lấy tĩnh khí của mình để xét đoán sự việc, thì sẽ nhìn thấy được một cảnh tượng hoàn mỹ khác. Đó là cảnh giới đầy nghĩa khí của người quân tử và của tinh thần vị tha, cao thượng.
Ai trong chúng ta suốt đời mà không mắc phải sai lầm và không làm người khác phật ý? Nhưng… khi ta biết cân bằng giữa sự tha thứ là cho đi và nhận lại, thì nó sẽ giúp mình sống hạnh phúc, đồng thời nội tâm bớt dằn vặt hơn. Thật ra, tha thứ là điều rất khó thực hiện, nhưng nếu ai cũng biết nhẫn nhịn, biết làm cái tôi của mình nhỏ đi thì việc đó lại là một chuyện rất đơn giản.
Mỗi người đều có một giá trị riêng và nếu ai đó vô tình hay cố ý chà đạp lên nó, đều chuốc lấy sự thù hận. Tuy nhiên, nếu lòng vị tha xuất phát từ một trái tim và hành động chân thành, thì sẽ trở thành món quà giá trị dành tặng cho bản thân. Bởi tha thứ là kiếm tìm sự bình yên trong đó.
Thùy Trang