Sau 43 năm phát triển, với sự hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc huy động mọi nguồn lực đầu tư nhiều công trình hồ, đập trọng điểm đã giải quyết nước tưới cho những vùng khô hạn, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững, trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.
Tỉnh ta thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, thế nhưng sau ngày thống nhất đất nước hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư đúng mức, đồng bộ nên vào mùa khô hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân bị đình đốn. Bấy giờ, ngoài vùng trọng điểm trồng lúa ở huyện Ninh Phước, Ninh Hải, nước tưới phục vụ sản xuất tương đối thuận lợi, riêng ở địa bàn huyện Thuận Nam, Bác Ái, Thuận Bắc về mùa khô thiếu nước trầm trọng. Từ khó khăn đó, năm 1998, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng hồ Tân Giang, công trình khánh thành vào năm 2002 cung cấp nước tưới cho 3.000 ha đất sản xuất, biến vùng đất “bán sa mạc” ở các xã Phước Hà, Nhị Hà, Phước Hữu… thành những cánh đồng sản xuất lúa, cây màu, cây ăn quả xanh tốt, tạo sinh kế cho hàng ngàn gia đình ở nông thôn.
Hiệu quả từ hồ Tân Giang tạo đà để tỉnh hoạch định chiến lược tiếp tục xây dựng các hồ chứa rộng khắp trên tất cả các huyện nhằm giải quyết “bài toán khô hạn” một cách triệt để. Liên tiếp những năm sau đó, hàng loạt hồ chứa nước được xây dựng.Trong đó, có những hồ đã phát huy tác dụng, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, đáp ứng được yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại. Hồ Sông Trâu trên địa bàn huyện Thuận Bắc dung tích gần 32 triệu m3 được xây dựng vào năm 2003 đã biến cả vùng đất khô hạn ở phía Bắc của tỉnh trở thành những cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không thua kém, hồ Sông Sắt nằm ở trung trâm huyện vùng cao Bác Ái anh hùng được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2008 có dung tích 67 triệu m3 cũng đã mở ra triển vọng mới cho sản xuất nông nghiệp ở khu vực. Nhớ ngày đầu tái lập tỉnh (1992), sản xuất nông nghiệp ở Bác Ái manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc vào nước trời mỗi năm canh tác một vụ, sau khi có công trình thủy lợi hồ Sông Sắt phục vụ nước tưới cho 5.000 ha đất nông nghiệp đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô hàng hóa, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của người dân nơi đây. Ngoài ra, còn có những công trình thủy lợi trọng điểm như hồ Lanh Ra (Ninh Phước), hồ Bà Râu (Thuận Bắc)… cũng đã góp phần vào giải quyết khó khăn cho sản xuất nông nghiệp ở vùng khô hạn.
Hồ Bà Râu đưa vào hoạt động năm 2011 cung cấp nước tưới
cho 300 ha ở vùng khô hạn huyện Thuận Bắc.
Nỗ lực trong việc xây dựng các công trình thủy lợi giải quyết vấn đề nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh là đáng ghi nhận, đến nay toàn tỉnh có 21 hồ chứa nước vối tổng dung tích hơn 194 triệu m3, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho khoảng 33.000 ha đất canh tác lúa, màu, cây ăn quả, đưa tỉnh ta trở thành địa phương có hệ thống hồ, đập lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nối dài kỳ tích “thay trời làm mưa”, từ đề xuất được hưởng cơ chế đặc thù vùng khô hạn của tỉnh, cuối năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống Thủy lợi Tân Mỹ nằm trên địa bàn xã Phước Hòa (Bác Ái) có nhiệm vụ tưới trực tiếp cho 4.380 ha đất canh tác và tiếp nước cho hệ thống thủy nông Nha Trinh - Lâm Cấm để tưới đủ diện tích 12.800 ha, cấp nước nuôi thủy sản 1.632 ha và nước phục vụ dân sinh, công nghiệp, dịch vụ, phát điện. Sau một thời gian ngưng thi công do thiếu vốn, cuối tháng 3 vừa qua, dự án Thủy lợi Tân Mỹ lớn nhất tỉnh được khởi động lại trước niềm vui phấn khởi của toàn thể nhân dân.
Tỉnh ta là địa phương khô hạn nhất cả nước, do đó công tác phát triển hệ thống hồ, đập phục vụ sản xuất nông nghiệp luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặt lên hàng đầu, chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tham mưu đề xuất các giải pháp nhằm ổn định nguồn nước. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, ứng phó với tình trạng thiếu nước sản xuất cục bộ, tỉnh có sáng kiến xây dựng đường ống liên thông nước giữa các hồ chứa; đồng thời, tiếp tục đề xuất Trung ương đầu tư các công trình chống hạn, ngăn mặn cấp bách. Kết quả công trình Đập dâng hạ lưu sông Dinh khởi công xây dựng vào tháng 4 - 2017 đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào đầu năm 2019. Công trình thủy lợi này vừa chống xâm nhập mặn từ cửa biển Đông Hải vừa tạo hồ chứa nước ngọt 3,5 triệu m3 tưới cho 50 ha đất sản xuất. Không dừng lại đó, công trình chống hạn Đập dâng Tân Mỹ là hợp phần nằm trong dự án Thủy lợi Tân Mỹ, với chiều dài 182 m; hệ thống kênh tưới chính dài 36,5 km, 40 kênh nhánh cấp 1 tổng chiều dài khoảng 67 km, cũng được đầu tư xây dựng tưới trực tiếp hàng ngàn ha đất sản xuất quanh khu vực, đồng thời, tiếp nước cho hồ Cho Mo, Bà Râu, Sông Trâu, tạo nguồn ổn định phục vụ sản xuất quanh năm.
Nhìn lại chặng đường 43 năm phát triển, nhất là giai đoạn từ năm 1992 đến nay, với định hướng phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ đã tạo sự đột phá cho sản xuất nông nghiệp ở vùng khô hạn phát triển bền vững. Từ nền nông nghiệp lạc hậu, đến nay nhờ có nước tưới nhiều địa phương đã khai thác được tiềm năng, lợi thế trồng các loại cây đặc thù, giá trị kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Tuấn Anh