(NTO) Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta gần đây có bước phát triển tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như quy mô nhỏ lẻ, manh mún, ảnh hưởng tập quán canh tác truyền thống dẫn đến năng suất và chất lượng chưa cao cần tập trung khắc phục. Xuất phát từ thực tế đó, ngày 10-10-2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, coi đó là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo sức bật mới cho nông nghiệp vùng khô hạn phát triển bền vững.
Mô hình trồng lan công nghệ cao ở xã Lâm Sơn, Ninh Sơn. Ảnh: A.T
Hướng vào các nội dung trọng tâm của Nghị quyết, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất có hiệu quả. Tính đến đầu năm 2018, có 24 đề tài được Hội đồng khoa học phê duyệt, đánh giá tính ứng dụng cao, chủ yếu các lĩnh vực: Lai tạo giống cây trồng, vật nuôi chịu hạn; quy trình canh tác tiên tiến, công nghệ tiết kiệm nước, chế biến nông, lâm, thủy sản… Kết quả nghiên cứu được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tổ chức nhân rộng. Theo báo cáo, năm 2017, toàn tỉnh đã triển khai 44 mô hình tưới tiết kiệm nước công nghệ Israel với tổng diện tích 355 ha, chương trình tiếp tục được mở rộng ở vụ đông - xuân 2018 tạo được hiệu ứng tích cực cho sản xuất ở vùng chuyển đổi cây trồng cạn. Điểm nhấn trong thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy là ngành chức năng, các địa phương tiến hành quy hoạch vùng sản xuất tập trung, từ đó tổ chức xây dựng cánh đồng lớn tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư hình thành các dự án lớn. Nếu như những năm trước, các cá nhân, tổ chức do dự đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thì đến năm 2017 tình hình đã được cải thiện, một số dự án nông nghiệp công nghệ cao được triển khai. Các dự án “Xây dựng Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh triển khai tại xã Phước Tiến (Bác Ái), quy mô 300 ha; Dự án trồng lan cấy mô trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao quy mô 2,6 ha tại xã Quảng Sơn, Lâm Sơn (Ninh Sơn) không những khai thác được tiềm năng lợi thế phát triển các loại cây trồng đặc thù của tỉnh có giá trị kinh tế cao, mà còn đảm nhiện vai trò “đầu tàu” dẫn dắt nông nghiệp phát triển. Không dừng lại đó, việc Công ty TNHH công nghệ cao Ninh Thuận Agritech đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thức ăn công nghiệp gia súc tại xã Phước Tiến công suất 3.000 - 5.000 tấn/ngày; Công ty cổ phần Fococev Ninh Thuận xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Phước Tiến, công suất 200 tấn thành phẩm/ngày, mở ra triển vọng hình thành vùng sản xuất cây nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhà máy chế biến, tạo sinh kế cho nhân dân trong khu vực. Với cơ chế, chính sách thông thoáng, tin tưởng sẽ có làn sóng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới.
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay: Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành được các vùng nông nghiệp công nghệ cao, quy mô 409 ha, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã đạt được mục tiêu của cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bình quân đạt 160 - 180 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều lần so với các vùng sản xuất theo phương thức truyền thống. Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận hạn chế là ở tỉnh vẫn chưa có mô hình tiêu biểu cho ứng dụng thành công công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ, toàn diện để tạo hiệu ứng lan tỏa. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn hẹp. Khó khăn này, đặt ra nhiệm vụ trọng trách cho các ngành, các cấp phải tập trung thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Anh Tùng
>> Bài 1: Nghị quyết 09 - NQ/TU tạo đột phá trong cơ cấu lại nông nghiệp