Đến đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp được vào thăm và thắp hương tại chùa Trường Sa. Chùa Trường Sa được xây dựng rất uy nghi, tọa lạc ngay giữa khu vực trung tâm thị trấn Trường Sa, đối diện Đài tưởng niệm liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ tạo thành cụm kiến trúc đặc biệt mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là nơi mà bất cứ ai đến với Trường Sa cũng vào thăm, thắp nén hương để nghe lòng thanh tịnh và thấy ấm áp một niềm tin rất thiêng liêng.
Từ xa đã nhìn rõ cổng chùa được xây dựng theo kiểu cổng tam quan, như chùa Trấn Quốc (Hà Nội). Bước vào bên trong, chùa có khoảng sân lát gạch khá rộng với diện tích chừng 300m2. Xung quanh chùa, những cây bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp đang vươn mình, đâm những chồi non xanh trên đất đảo mặn mòi. Điện thờ ở chùa Trường Sa không lớn nhưng được xây dựng khá công phu theo phong cách truyền thống: một gian hai chái, mái ngói cong có đầu đao; nguyên liệu được sử dụng bằng nhiều loại gỗ quý có sức chịu được độ mặn của nước biển. Bên trong, chùa có sáu bức tượng Phật ngọc trắng được chế tác công phu. Cùng với điện thờ Phật, chùa Trường Sa còn có các ban thờ anh hùng liệt sỹ. Hai bên chái của ngôi chùa, hoành phi câu đối được sơn son thếp vàng bằng chữ quốc ngữ như phượng múa rồng bay ghi lại hào khí của dân tộc: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền; Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ...”. Đọc những câu đối trong Chùa, bất cứ người Việt nào cũng cảm thấy ngưỡng vọng, tự hào về giang sơn gấm vóc của mình. Trong làn hương khói tỏa bay, lòng người cũng thấy tự tâm thanh tịnh, nhẹ nhàng.
Quân và dân trên đảo Trường Sa đi lễ chùa đầu năm.
Để phục vụ tốt đời sống sinh hoạt tâm linh của quân và dân trên đảo, hàng năm Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cử các nhà sư ra đảo phụng sự Phật pháp. Đại đức Thích Tâm Tánh, Trụ trì chùa Trường Sa là người 2 lần tự nguyện ra đảo Trường Sa, mong muốn đóng góp cùng với quân và dân trên đảo xây dựng cuộc sống bình yên. Trước buổi lễ chùa đón Tết sớm trên đảo, Đại đức đã cùng tăng ni, phật tử chuẩn bị chu đáo cho ngôi chùa trở nên ấm cúng hơn. Tại ghế đá khuôn viên chùa, Đại đức rót ly trà nóng mời khách và chia sẻ: Ở đâu có người Việt sinh sống thì ở đó có văn hóa tâm linh thờ Phật, thờ các bậc tiền bối có công khai ấp lập làng để tri ân, cầu độ trì cho mọi người được bình yên, sức khỏe... Bởi vậy, từ xa xưa, trên các đảo giữa biển Đông của Việt Nam đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên. Đây là những minh chứng về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc từ bao đời nay. Thầy Tánh cho chúng tôi biết thêm: Chùa Trường Sa không chỉ là một nơi thờ phụng linh hồn của những người con dân Việt, các chiến sĩ đã hy sinh ngoài biển Đông mà còn là nơi để các chiến sĩ, hộ gia đình và ngư dân đi biển nương tựa khi có chuyện đau buồn xảy ra.
Mỗi sáng, mỗi chiều, ngày rằm hay những ngày lễ lớn, công dân trên đảo Trường Sa đều đi lễ chùa, thắp nén hương cầu an. Đặc biệt, cứ vào ngày đầu năm mới, sau khi chuẩn bị cơm cúng ông bà tổ tiên, người dân trên đảo Trường Sa lại chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất để đi chùa lễ Phật. Chị Nguyễn Bình Phương Ái là một trong những hộ dân ra thị trấn Trường Sa lập nghiệp. Cũng như mọi người dân và CBCS trên đảo, những ngày lễ, ngày Tết, chị cùng gia đình để tới Chùa dâng hương, cầu nguyện. Chị Tâm sự: Với người Việt, đi lễ chùa đầu năm không chỉ để ước nguyện một năm mới nhiều may mắn, sức khỏe và hạnh phúc, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, là lúc mỗi người tìm về với cội nguồn dân tộc.
Trong dịp lễ chùa đầu năm mới trên đảo Trường Sa, chúng tôi đã gặp Thượng úy Nguyễn Ngọc Đương, người lính đảo đảo quê Bình Định. Anh xúc động cho biết: “Ở nơi hải đảo xa xôi này, tôi rất vinh dự tự hào được góp sức mình bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi khi nhớ nhà, nhớ bè bạn, tôi lại lên chùa thắp một nén hương và chắp tay cầu đức Phật từ bi phù hộ độ trì cho nhân dân trên đảo, anh em chiến sĩ đều khỏe mạnh, bình an và nước Việt ta ngày càng phát triển. Mỗi lần như thế tôi lại thấy đầy tự tin và hi vọng…”
Giữa đại dương bao la, hình ảnh làng quê Việt Nam trở nên gần gũi, thân thương đến lạ thường. Ở nơi đây, hòa cùng tiếng sóng biển, tiếng chuông chùa mang lại cảm giác bình yên, như tiếp thêm niềm tin thiêng liêng vào những điều thánh thiện cho quân và dân trên đảo. Những ngôi chùa giữa Biển Đông không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh của người dân nơi biển đảo, mà còn thể hiện khát vọng cuộc sống bình yên, hòa bình, hạnh phúc muôn đời của con dân đất Việt.
Anh Tuấn