Rời đảo Đá Tây A, ngày hôm sau chúng tôi lại vật lộn với sóng biển tiếp tục vào thăm cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Tây B. Trên đảo nhỏ có Trạm hải đăng vươn ngọn đèn cao nổi giữa biển trời xanh thẳm. Ở đây, chúng tôi hết sức ấn tượng với câu chuyện của anh Trịnh Văn Nguyên, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Đá Tây, người đã góp phần duy trì để ngọn hải đăng không bao giờ tắt.
Hơn 16 năm công tác giữa biển khơi, 8 năm liền đón năm mới nơi hải đảo, anh Nguyên coi trạm Hải đăng như nhà của mình, ngày đêm túc trực, bất kể thời tiết, luôn bảo đảm ngọn hải đăng được thắp sáng giữa biển khơi. Với chất giọng trầm ấm, người đàn ông 48 tuổi đến từ đất cảng Hải Phòng cho biết, Trạm Hải Đăng Đá Tây được xây dựng từ năm 1994, cao 26 m, ánh sáng chớp trắng theo chu kỳ 10 giây/lần. Hải đăng có nhiệm vụ cung cấp ánh sáng báo hiệu luồng tàu vào đảo tránh trú bão và cũng là tín hiệu để “dẫn đường” ngư dân khi đánh bắt trên biển. Tuy nhiên, giữa biển khơi với đặc thù sóng gió và thời tiết khắc nghiệt, đời sống sinh hoạt của anh em canh gác trạm hải đăng vô cùng khó khăn, mùa mưa thường hay gặp bão gió, mùa nắng luôn thiếu nước ngọt để dùng.
Trạm Hải đăng Đá Tây giúp tàu thuyền đi biển an toàn.
Trong quá trình công tác, anh đã gắn bó với 6 ngọn hải đăng trên các điểm đảo như: Đá Tây B, Đá Lát, Trường Sa, An Bang, Tiên Nữ và Song Tử Tây. Cũng không ít lần, anh kết hợp với cán bộ, chiến sĩ hải quân trên các đảo tham gia cứu giúp ngư dân gặp nạn trên biển. Anh Nguyên nhớ lại: Trong một lần biển động vào cuối năm 1999, một chiếc thuyền của ngư dân Thừa Thiên Huế bị hỏng máy đã trôi dạt nhiều ngày trên biển. Giữa giông tố của biển khơi, 15 thuyền viên trên tàu chỉ còn biết cầu mong vào một phép màu nào đó xuất hiện. Chiếc thuyền gặp nạn bị hỏng máy trôi dạt từ Trường Sa qua vùng biển của Philippines mới neo lại được. Nhận được tín hiệu cầu cứu, anh Nguyên cùng các chiến sĩ trên đảo đã vượt giông bão chạy xuồng máy đi tìm kiếm và may mắn đã tìm gặp và kéo chiếc thuyền này về đến đảo Song Tử Tây an toàn. Anh Nguyên kể lại: Khi chúng tôi tiếp cận, dùng dây kéo thuyền của ngư dân, nhiều người trên thuyền gặp nạn đã bật khóc. Có người điện thoại về cho người thân nói như reo: “Con ơi! Bố sống rồi”. Nghĩ vậy thấy thương, càng cố gắng tìm cách kéo bằng được chiếc tàu về nơi cứu nạn an toàn, mặc cho sóng gió vẫn còn vần vũ.
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ của mình trong quá trình công tác nhiều năm canh giữ ngọn hải đăng trên các đảo, anh Nguyên tâm sự: Đợt giáp Tết năm 2010, thời điểm đó gió to, sóng lớn, tàu công ty chưa ra kịp để tiếp tế lương thực, thực phẩm. Lúc này, Trạm đã hết sạch thức ăn, hết sạch gạo, thậm chí kể cả mắm, muối cũng không còn, mình chỉ biết động viên anh em tiếp tục cố gắng bám trụ và hoàn thành nhiệm vụ. Biết được hoàn cảnh này, chỉ huy đảo Đá Tây đã đề nghị tất cả các đơn vị trên đảo cùng san sẻ, mỗi người một ít quà Tết cho Trạm. Thế rồi, người cho đôi gà, người cho ít gạo, bánh chưng, mắm, muối… Cuối cùng năm đó, anh em Trạm Hải đăng ăn Tết to nhất đảo.
Đã đón quá nhiều cái Tết xa nhà, thế nhưng khi thấy những chuyến tàu mang quà Tết từ đất liền ra đảo, anh Nguyên cũng không tránh khỏi giây phút chạnh lòng. Anh tâm sự: Ai cũng muốn ngày Tết được sum vầy ấm cúng với gia đình, người thân. Nhưng vì nhiệm vụ được giao, anh em chúng tôi đã xác định phải hoàn thành tốt. Được sự quan tâm của các cấp và đơn vị, Tết này anh em chúng tôi đã có thịt lợn, gạo nếp, có gà, vịt, măng, miến đủ cả. Công ty đã cung cấp đầy đủ để anh em đón Tết ngoài đảo đầm ấm nhất.
Để cho ngọn hải đăng không bao giờ tắt, những người “gác đèn” đã thay nhau túc trực, vận hành không kể ngày đêm, lễ, tết, đặc biệt trong những ngày giông bão. Chia tay đảo, tạm biệt người gác đèn trên đảo Đá Tây, lòng khâm phục và cảm ơn những người gác đèn, những người con của biển. Cầu chúc cho bình an, hạnh phúc luôn đến với mọi người.
Anh Tuấn (Gửi về từ Trường Sa)