Từ đất ruộng thành vườn lan cho thu nhập cao
Năm 2012, trong chuyến du lịch ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), tình cờ chị Phạm Thị Nhung, ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải (Ninh Hải) biết mô hình trồng hoa lan rất hiệu quả, nên quyết tâm học hỏi kinh nghiệm để áp dụng. Khởi đầu, chị tiến hành trồng thử nghiệm 500 m2 hoa lan trên nền ruộng cải tạo với các giống Mokara, Dendro đỏ vàng, thích hợp với khí hậu khô nóng của Ninh Thuận. Đến nay, diện tích vườn lan của chị đã lên 2.500 m2, với gần 10.000 gốc lan Mokara, kinh phí đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng. Trung bình 3 ngày gia đình chị cắt cành lan một lần, với giá dao động từ 8.000-10.000 đồng/cành, mỗi tháng chị thu về trên 50 triệu đồng. Thu nhập từ trồng hoa lan cao hơn so với cây trồng khác trên cùng một đơn vị diện tích, nên vườn lan Mokara của gia đình chị đang là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả chuyển từ đất ruộng sang trồng lan.
Trang trại trồng lan ở thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải (Ninh Hải). Ảnh: Duy Anh
Thời tiết chuyển xuân, không khí bắt đầu se lạnh, cũng là lúc gia đình chị tất bật chăm sóc vụ hoa lan tết. Chị Nhung thổ lộ: Lan Mokara thuộc nhóm ưa nóng, thời tiết Ninh Thuận quanh năm nắng nóng lại ít sương muối nên cây cho hoa đều, nếu chăm sóc đúng cách hoa sẽ nở rực và hoa to hơn những nơi khác. Vào những ngày nắng nóng, nên tăng cường tưới nhiều lần trong ngày để cây luôn giữ được nước và tránh hiện tượng rụng lá; hạn chế quang hợp để lan Mokara không mất sức, thời gian tưới tốt nhất là vào buổi sáng sớm. Giống lan này trồng đến tháng thứ 12 thì cho thu hoạch ổn định, trường hợp cây lan khỏe mạnh sẽ cho 7-8 nhánh trong một năm, phun thêm phân dưỡng hoa để giúp hoa bền và màu sắc tươi đẹp. Cần thiết kế khu vườn hoa theo kiểu nhà lưới có mái che nilon để tản nhiệt và hạn chế ánh sáng, cùng hệ thống tưới phun sương... Nhờ chịu khó nghiên cứu, chị đã dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nên đến nay hoa lan của chị đạt tỷ lệ sống gần 100%. Chị Nhung chia sẻ thêm: Chọn giống là khâu quan trọng nhất, vì giống sẽ quyết định đến chất lượng hoa sau này. Giống lan Mokara có hai nguồn chủ yếu, nhập khẩu từ Thái Lan hoặc chọn mua từ các nhà vườn.
Hiện tại, chị Nhung tự nhân giống cây con để thay đổi cây giống khi hết năng suất ra hoa và bán giống cây ra thị trường. Nguồn tiêu thụ hoa lan Mokara chủ yếu là các chợ và shop hoa ở Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Chị Nhung bộc bạch: Tết năm nào cũng vậy, “bạn hàng” biết nhu cầu hoa lan sẽ tăng nên thường đặt hoặc dặn trước. Cũng chính vì thế, nên mỗi dịp Tết, gia đình càng tăng thời gian chăm sóc để kịp vụ hoa Tết.
Đến mở hướng trồng hoa lan công nghệ cao
Du khách lựa chọn hoa lan ở xã Phước Tiến (Bác Ái). Ảnh: Văn Miên
Trang trại sản xuất hoa lan theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại thôn Lâm Bình (xã Lâm Sơn, Ninh Sơn) của anh Phan Thanh Sang đang là địa điểm được nhiều nông dân, thanh niên khởi nghiệp đến giao lưu học tập kinh nghiệm. Khởi nghiệp từ xứ sở ngàn hoa, nhưng anh Phan Thanh Sang (chủ trang trại hoa lan YSA Orchid, phường 9, Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng) lại rất hứng thú với các loài hoa lan nhiệt đới. Năm 2015, sau nhiều lần đi khảo sát tại nhiều nơi, anh quyết định trồng thử nghiệm 1 ha các giống lan nhiệt đới như: Hồ điệp, Mokara, Dendro, Ngọc điểm tại vùng đất Lâm Sơn (dưới chân đèo Ngoạn Mục).
Sau một thời gian trồng và chăm sóc, anh Sang nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển của các giống lan nhiệt đới. Năm 2016, anh quyết định đầu tư 15 tỷ đồng mở rộng quy mô trang trại lên 5 ha. Tại trang trại hoa lan YSA Orchid Lâm Sơn, hoa lan được trồng trong nhà kính, có trang bị hệ thống quạt thông gió, điều chỉnh ánh sáng, nước tưới, bón phân, lắp đặt đồng hồ theo dõi nhiệt độ, độ ẩm tự động. Quy trình chăm sóc, thu hoạch hoa được áp dụng công nghệ hiện đại. Hiện nay, trang trại đang trồng 200.000 chậu lan Hồ điệp, trên 31.000 cây lan Mokara, 3.000 cây lan Ngọc điểm, 3.000 cây lan Trầm. Có dịp tham quan vườn hoa lan đầu tư theo công nghệ cao của anh Sang, chúng tôi nhìn thấy một màu vàng rực rỡ trải dài thật ấn tượng. Anh chia sẻ: Xã Lâm Sơn có nhiệt độ lý tưởng, ban đêm từ 21-24 độ C, ban ngày trên dưới 30 độ C. Khí hậu ở đây không quá nóng, không quá lạnh phù hợp để trồng lan Hồ điệp. Nếu trồng ở Đà Lạt phải có hệ thống sưởi ấm vào những tháng thời tiết lạnh. Hơn nữa, quá trình sinh trưởng và phát triển của lan Hồ điệp sẽ không bằng trồng ở các vùng có khí hậu ấm nóng. Sau khi trồng cây con từ 15-18 tháng sẽ vận chuyển cây lên Đà Lạt tiếp tục trồng từ 4-5 tháng sẽ cho hoa và thu hoạch. Các giống lan nhiệt đới như: Hồ điệp, Mokara, lan Trầm, Ngọc điểm trồng không khó. Chỉ tuân thủ theo quy trình kỹ thuật về độ ẩm, nhiệt độ và quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh sẽ đạt năng suất cao. Trong đó, lan Hồ Điệp có nhiều loài với màu sắc đẹp, thời gian nở trong vài tháng. Giá bán phù hợp với nhiều đối tượng nên được thị trường ưa chuộng, nhất là vào dịp lễ, tết. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết anh cũng là chủ 3 trang trại với tổng diện tích hơn 10 ha, gồm: trang trại tại Tp. Đà Lạt trồng các loại địa lan; trang trại tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) và huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận) trồng các giống hoa lan nhiệt đới. Đến nay, sau hơn 10 năm dành trọn tình yêu cho các loài hoa lan, anh Sang đã tạo dựng thành công thương hiệu hoa lan Đà Lạt YSA Orchid được nhiều người biết đến và yêu thích. Sản phẩm hoa lan của trang trại được bán tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… và xuất bán sang thị trường Campuchia với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Với niềm đam mê hoa lan từ nhỏ cùng với sự kiên trì học hỏi, biết nắm bắt cơ hội, anh Phan Thanh Sang là tấm gương thanh niên khởi nghiệp thành công. Hiện nay, anh đang sưu tầm, nghiên cứu nhân giống các loài lan rừng tại Ninh Thuận với một số giống lan mới để bảo tồn các giống lan đặc hữu của địa phương đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Phan Hiếu