Chủ tịch nước: Ngành cơ yếu phấn đấu làm chủ công nghệ mật mã

Sáng 18-5, tại TPHCM, Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức trọng thể Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trao tặng Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
tặng Ban Cơ yếu Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: TTXVN

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tới dự và trao phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam.

Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đã báo cáo tóm tắt những thành tích đặc biệt xuất sắc của Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam trong suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ cho đến khi đất nước được thống nhất. Trước yêu cầu thực tiễn của cách mạng miền Nam, tháng 8/1961, tại Mã Đà, Chiến khu Đ, Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam được thành lập (trên cơ sở Cơ yếu của Xứ ủy Nam Bộ) với hơn 10 cán bộ, nhân viên. Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam là một ban chuyên môn của Trung ương Cục đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Ban Cơ yếu Trung ương (nay là Ban Cơ yếu Chính phủ)...

Trải qua 21 năm kể từ khi Cơ yếu Xứ ủy Nam Bộ ra đời cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam luôn phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động, bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang trong điều kiện chiến tranh ác liệt; đồng thời đối phó có hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn thu tin, mã thám của địch.

Trong cuộc chiến đấu thầm lặng nhưng vô cùng khốc liệt, cán bộ, nhân viên Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, luôn phát huy truyền thống vẻ vang của ngành cơ yếu Việt Nam “Trung thành, Tận tụy, Đoàn kết, Kỷ luật, Sáng tạo”; nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Trung ương Cục và các cấp, các ngành, lập nên nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhất năm 1965 và Huân chương Thành đồng năm 1968. Nhiều tổ chức cơ yếu trực thuộc và các cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, dũng sĩ diệt Mỹ cùng các phần thưởng cao quý khác.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng Ban Cơ yếu Trung ương Cục miền Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương những công lao, đóng góp to lớn của Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chúc mừng các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam, đặc biệt là các cán bộ, nhân viên đã từng công tác tại Ban Cơ yếu thống nhất Trung ương Cục miền Nam nhân dịp đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước.

Phân tích tình hình thế giới, khu vực và những nguy cơ tác động đối với đất nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, là ngành khoa học-kỹ thuật cơ mật đặc biệt, ngành cơ yếu cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, trọng tâm là Chỉ thị số 41 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác cơ yếu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị ngành cơ yếu tập trung nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học-công nghệ mật mã, kỹ thuật nghiệp vụ; tăng cường đầu tư, xây dựng, phát triển cơ sở vật chất-kỹ thuật hiện đại, đồng bộ; thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học-kỹ thuật mật mã, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ công tác, chiến đấu trong tình hình mới. Cùng với đó, ngành cơ yếu cần tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, phấn đấu làm chủ công nghệ mật mã; đáp ứng đầy đủ các loại hình kỹ thuật thông tin và truyền thông; từng bước xây dựng ngành cơ yếu Việt Nam chính quy, tiến thẳng lên hiện đại.

Nguồn www.chinhphu.vn