Kỳ họp thứ 3 Quốc hội: Cần tăng tính đối thoại, trực diện trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, khi cho ý kiến vào việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV, sáng 17-5.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV.

Báo cáo về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành công tác chuẩn bị phục vụ kỳ họp. Nhìn chung, công tác chuẩn bị về cung cấp thông tin, tài liệu, thông tin tuyên truyền, tiếp dân, an ninh, an toàn kỳ họp và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, công tác lễ tân, hậu cần... đã được chuẩn bị tương đối chu đáo, chặt chẽ và cơ bản hoàn thành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp thứ 10, UBTVQH. (Ảnh: quochoi.vn).

 

Dự kiến, thời gian tiến hành kỳ họp là 22,5 ngày làm việc, trong đó không bố trí Quốc hội làm việc ngày thứ bảy và dự kiến khai mạc vào ngày 22/5, bế mạc vào ngày sáng ngày 21/6.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí với việc bổ sung nội dung trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng vì Chính phủ đã chuẩn bị cơ bản hồ sơ, đảm bảo điều kiện để trình ra Quốc hội xem xét.

Đối với việc phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm 02 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, cơ quan trình không bảo đảm tiến độ chuẩn bị. Hiện tại, hồ sơ tuy đã trình sang Ủy ban Tư pháp nhưng chưa có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền về nhân sự nên Ủy ban Tư pháp chưa thể tiến hành thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến, vì vậy không có căn cứ để bổ sung nội dung này vào dự kiến chương trình kỳ họp.

Trước một số ý kiến đề xuất tăng thời gian thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 từ 1 ngày lên 1,5 ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Uông Chu Lưu và nhiều ý kiến khác trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không tăng thời lượng thảo luận, chỉ bố trí 1 ngày cho nội dung này là phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Rất nhiều đại biểu và cử tri yêu cầu tăng thời gian chất vấn vì đây là nội dung cử tri rất quan tâm.

Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì người được chất vấn phải trực tiếp trả lời, không được ủy quyền. Tuy nhiên, theo thông lệ, Thủ tướng Chính phủ chỉ trả lời chất vấn trước Quốc hội vào kỳ họp cuối năm, còn kỳ họp giữa năm thì Thủ tướng ủy quyền cho một Phó thủ tướng trả lời chất vấn thay. Vì thế, Chính phủ đề nghị được giữ theo thông lệ này, tuy nhiên mỗi một kỳ họp giữa năm sẽ lần lượt phân công một Phó Thủ tướng chứ không phải chỉ Phó Thủ tướng thường trực trả lời như trước đây.

Chia sẻ với sự bận rộn của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành công việc của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đề nghị này là hợp lý để giảm bớt áp lực điều hành, đồng thời để các Phó Thủ tướng xuất hiện, thể hiện bản lĩnh nghị trường, khả năng điều hành, quản lý không chỉ trong lĩnh vực được phân công, mà còn phải bao quát cả các lĩnh vực khác của Chính phủ. Tuy nhiên, theo quy định mới trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, người được chất vấn phải trực tiếp trả lời chất vấn, không được ủy quyền người khác trả lời thay. Do vậy, để bảo đảm vừa phù hợp với quy định của pháp luật, vừa hài hòa, thì tại kỳ họp giữa năm, một Phó Thủ tướng vẫn thay mặt Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội, cử tri cả nước. Thủ tướng cũng nên xuất hiện để sau khi các Phó Thủ tướng trả lời thì Thủ tướng sẽ trả lời ngắn gọn trong vòng 20 phút về những vấn đề mà đại biểu Quốc hội gửi văn bản chất vấn Thủ tướng và sau đó Thủ tướng làm rõ thêm những vấn đề các Phó Thủ tướng vừa nêu.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị tiếp tục tinh thần đổi mới, tăng tính đối thoại trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn , trực diện về những vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Theo chương trình dự kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật, 05 dự thảo nghị quyết.

Đồng thời, Quốc hội cho ý kiến 5 dự án luật: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016. Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2018. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết Về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Nguồn www.dangcongsan.vn