Duyên nghiệp và những giai thoại
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890-1976) sinh tại xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An, sau đó theo cha mẹ đến mưu sinh ở Bạc Liêu. Tại đây, ông vào ở chùa gần nhà để học chữ. Biết trong vùng có ông thầy đàn Hai Khị bị mù cả hai mắt lại có tật ở chân nhưng “ngón” đàn rất điêu luyện nên Cao Văn Lầu nhờ cha dẫn đến xin học đàn mỗi tối. Nhờ có tư chất thông minh, siêng năng, ông mau chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ và không lâu sau trở thành nhạc sĩ nòng cốt trong ban cổ nhạc của thầy. Năm 21 tuổi, Cao Văn Lầu lấy một cô vợ hiền dịu, nết na là Trần Thị Tấn, nhưng 3 năm chung sống mà vẫn chưa thể sinh con. Theo tục xưa, cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ đẻ. Ông Cao Văn Lầu dù rất thương vợ, nhưng vì chữ hiếu đành phải ngậm ngùi chịu “rẽ thúy chia loan” với người bạn đời. Bản “Dạ cổ hoài lang” (tức Đêm nghe tiếng trống nhớ chồng) ra đời trong những buổi đầu vợ chồng chia ly. Đây là tác phẩm có nhiều ảnh hưởng đối với âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam, gắn liền với sự ra đời và phát triển của dòng nghệ thuật sân khấu cải lương. Từ bản Dạ cổ hoài lang để rồi nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012”, được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” tháng 12-2013. Đây là minh chứng rõ nhất về giá trị của loại hình âm nhạc này cũng như công lao của cố Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã cống hiến, đóng góp cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Sống lại hồn Cao Văn Lầu
Để tôn vinh công lao của người nhạc sĩ tài hoa, năm 2009 đúng vào dịp tròn 90 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng Khu lưu niệm ông trên mảnh đất gia đình ông từng sinh sống, nay thuộc phường 2, Tp. Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Đến năm 2014, khu lưu niệm được mở rộng trên 12.500m2 là nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về đờn ca tài tử Nam Bộ nói chung và cuộc đời, sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu nói riêng. Cũng trong năm này, khu lưu niệm được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đến đây du khách như lạc vào thế giới đờn ca tài tử Nam Bộ với tòa nhà hành chính có hình dáng đàn kìm ống tre và tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu cao 4m bằng chất liệu đá tự nhiên. Phía trước bức tượng nhạc sĩ tài hoa là vườn tượng đá được đẽo gọt tạo dáng 12 nhạc cụ thường dùng trong nghệ thuật đờn ca tài tử. Các tòa nhà trưng bày, khu lưu niệm... hợp thành quần thể kiến trúc bề thế, hoành tráng mang đậm chất sông nước vùng Tây Nam Bộ.
Đến đây, chúng tôi may mắn được nghe cô hướng dẫn viên hát bài Dạ cổ hoài lang với nhịp 2, nhịp phách khởi thủy từ tâm tư của người nhạc sĩ khi viết lên bản nhạc. Bài hát không chỉ mang nỗi niềm thương nhớ, tương tư về mối tình không trọn vẹn thê lương của người nhạc sĩ trong quãng thời gian xa cách người vợ hiền vì nghịch cảnh của lễ giáo hà khắc. Vượt qua nỗi đau riêng tư, tình cảm nhớ nhung cá nhân, bài nhạc “Dạ cổ hoài lang” đã được mọi người yêu mến vì phù hợp với tâm trạng chung của người dân miền Tây thuở ấy khi nước mất nhà tan, mọi người phải chịu cảnh chia lìa, xa cách. Bản nhạc không chỉ là nỗi niềm riêng của phu thê mà hàm chứa cả tình yêu quê hương của ông cha ta thời trước.
Với sức lan tỏa và giá trị văn hóa của đờn ca tài tử, cứ mỗi độ Rằm tháng Tám, tỉnh Bạc Liêu lại tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” vừa để tri ân người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu. Tiếp nối sự thành công Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I- năm 2014 diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu, năm nay, Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II được tổ chức tại tỉnh Bình Dương với chủ đề “Đờn ca tài tử Nam Bộ - Báu vật đất Phương Nam" nhằm tiếp tục tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo này đến với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Ninh Thuận tự hào là một trong số 21 tỉnh, thành có Câu lạc bộ Đờn ca tài tử duy trì các hoạt động nghệ thuật, thu hút nhiều người tham gia. Đó cũng là minh chứng về sức sống mãnh liệt và sự hấp dẫn của dòng âm nhạc đặc trưng ở phương Nam.
Anh Tuấn