Năm 2013, bộ môn nghệ thuật này được UNESCO công nhận, vinh danh là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Ở tỉnh ta, ĐCTT-CL đã hiện diện và ăn sâu vào đời sống văn hóa của người dân.
Tài tử ca và tài tử đờn tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử và Cải lương năm 2017. Ảnh: Ngọc Diệp
Thành công qua hai kỳ liên hoan
Đến nay, tỉnh ta đã tổ chức 2 kỳ Liên hoan ĐCTT-CL: lần thứ I vào năm 2015, lần thứ II vào cuối tháng 3-2017 vừa qua. Nghệ sỹ ưu tú Huỳnh Khải, Trưởng Khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Giám khảo 2 kỳ liên hoan đánh giá: 2 kỳ liên hoan đã quy tụ được các nhóm, câu lạc bộ (CLB) ĐCTT-CL trên địa bàn tỉnh, với lực lượng tài tử đờn, tài tử ca khá đông đảo. Ngoài những ngón đờn, giọng ca gạo cội, nổi danh như: Quang Đỗ, Thiện Đức, Thanh Tâm, Thanh Thao…, 2 kỳ liên hoan còn xuất hiện một số gương mặt trẻ như: Hoàng Phát, Kim Chung, hay giọng ca nhí Nguyệt Châu, đang là học sinh Trường TH Long Bình (Ninh Phước). Điều này chứng tỏ ĐCTT-CL ở Ninh Thuận vẫn còn sức hút và ngày càng được thế hệ trẻ kế thừa và phát huy. Đó là tín hiệu mừng làm vơi bớt nỗi lo mai một của ĐCTT-CL tỉnh ta.
Dù chỉ có 6 CLB tham gia nhưng bằng tình yêu, lòng đam mê ĐCTT-CL, họ đã cố gắng mang đến hơn 60 tiết mục biểu diễn ở kỳ liên hoan lần thứ II. Bên cạnh những bài ca ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước, ở mỗi kỳ liên hoan còn có những ca khúc mới viết về biển đảo, về quá trình xây dựng nông thôn mới, về những thành tựu của quê hương Ninh Thuận, ca ngợi các điểm đến du lịch hấp dẫn của tỉnh nhà. Tác giả của những tác phẩm này không ai khác lại chính là những người con nổi danh trong phong trào ĐCTT-CL của tỉnh nhà như: Văn Hai, Sáu Ngà, Phan Thanh Thao... Họ đã mang đến hơi thở, sức sống mới cho nghệ thuật ĐCTT-CL Ninh Thuận. Đặc biệt, thành công rực rỡ nhất của hai kỳ liên hoan chính là sự quan tâm, theo dõi của đông đảo các tầng lớp công chúng tỉnh nhà. Những thành công trên là minh chứng cho sức sống dồi dào của môn nghệ thuật vừa mang tính bình dân, vừa mang tính bác học trong đời sống văn hóa của người dân Ninh Thuận.
Tiếp sức cho ĐCTT-CL
Tiến sỹ Mai Mỹ Duyên, nguyên Phó trưởng Khoa Sau đại học, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, thành viên Ban Giám khảo Liên hoan thứ II cho biết: ĐCTT-CL dù có sức sống mãnh liệt tới đâu nhưng nếu không được kế thừa, phát huy thì bất cứ loại hình âm nhạc nào cũng bị mai một. Để nó còn mãi với thời gian, với dòng chảy văn hóa của dân tộc, chúng ta cần nhiều hoạt động thiết thực hơn để “tiếp sức” cho ĐCTT-CL. Tỉnh Ninh Thuận cần đầu tư, khuyến khích, bảo tồn và phát huy vốn quý âm nhạc này.
Theo đó, tỉnh cần đẩy mạnh công tác truyền nghề. Liên hoan thứ II tuy có sự góp mặt của một số gương mặt trẻ, nhưng không nhiều. Số tài tử đờn cũng còn khiêm tốn. Truyền dạy môn nghệ thuật này đến thế hệ trẻ là điều cần thiết, do đó, cần mở lớp để cho những tài tử đờn, tài tử ca giàu kinh nghiệm truyền dạy cho thế hệ đi sau. Việc truyền dạy nghệ thuật ĐCTT-CL không nên cục bộ, không nên đóng khung trong phạm vi một tỉnh. Nếu thầy giáo trong tỉnh không đủ, thì nên xem xét tới vấn đề mời gọi thầy từ địa phương khác đến để hỗ trợ. Song song với hoạt động truyền nghề, cần có hoạt động khuyến khích giới trẻ học nghề. Có người truyền dạy và có người kế thừa thì ĐCTT-CL mới sống được với thời gian. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các nhóm, CLB ĐCTT-CL bằng cách đầu tư kinh phí để hàng tháng, hàng quý tổ chức sinh hoạt tạo sân chơi riêng cho những người yêu mến ĐCTT-CL. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu nghệ thuật ĐCTT-CL đến với công chúng, nhất là công chúng trẻ thông qua báo, đài, các cuộc thi. Mời các nghệ nhân giỏi vào trường học để nói chuyện, giới thiệu về ĐCTT-CL cho học sinh, sinh viên… tăng sự am hiểu về ĐCTT-CL cho thế hệ trẻ. Ba yếu tố này cần được kết hợp nhuần nhuyễn với nhau thì ĐCTT-CL mới được lưu giữ và trường tồn.
Ngọc Diệp