Chiều sâu của sự sáng suốt

(NTO) Hiểu biết, khôn ngoan và sáng suốt - Cả 3 từ ấy, thoạt đầu ai cũng ngỡ là đồng nghĩa với nhau, nhưng thực ra đó là sự kết hợp, tích lũy trong suy nghĩ và kinh nghiệm từng trãi, nhưng lại có những khác biệt rõ ràng về bản chất và khi áp dụng thực tế vào cuộc sống mỗi người.

Ai cũng nghĩ rằng, hiểu biết là sự tích lũy sự việc và dữ kiện mà mỗi người học được hoặc trải nghiệm qua. Hiểu biết có được khi ta nhận thức rõ một vấn đề hoặc thông tin truyền dẫn nào đó. Hiểu biết- thực chất chỉ là những sự kiện và ý tưởng mà chúng ta biết được thông qua nghiên cứu, khảo sát, nắm bắt hoặc trải nghiệm mà thôi.

Còn khôn ngoan ở một tầng cao hơn, là khả năng nhận thức và xét đoán từng khía cạnh của một vấn đề mà theo sự hiểu biết, ta nghĩ là đúng và có thể áp dụng vào cuộc sống của mình. Khôn ngoan có khả năng áp dụng sự hiểu biết đó vào kế hoạch lớn hơn trong cuộc đời, nó mang trạng thái sâu sắc hơn, cảm thụ được ý nghĩa và nguyên nhân; đồng thời biết được nội dung vấn đề là tại sao ta phải làm như vậy và ý nghĩa của nó đối với cuộc sống của mình.

Riêng sáng suốt là tầng sâu nhất của nhận thức và tâm thức, nó bộc lộ những khía cạnh riêng biệt, độc đáo trong cuộc đời mỗi người. Sáng suốt - không những phải có mối cảm nhận sâu sắc, rõ ràng hơn mà còn thêm sự chín chắn và điềm tĩnh nữa. Sáng suốt nằm sâu bên dưới của sự hiểu biết, là chắc lọc tinh hoa của sự khôn ngoan, nó chỉ ra hướng đi đúng và là bức tranh tổng thể nối dài sự liên kết của mọi vật. Sáng suốt- để biết mình phải nên làm cái gì và không nên làm điều gì trước mọi tình huống…

Tóm lại, nếu hiểu biết là thông tin, khôn ngoan là áp dụng sự hiểu biết vào cuộc sống thì sáng suốt sẽ nhận thức được đâu là bản chất bên trong của một chân lý. Thật đáng buồn là chúng ta có thể cả đời tích lũy sự hiểu biết, nhưng chưa bao giờ nhìn ra sự khôn ngoan bên trong. Chúng ta có thể khôn ngoan nhưng vẫn bỏ lỡ tầng ý nghĩa sâu hơn, nên chưa thấy rõ được điều mình làm đúng hay sai để mà tiến tới hay dừng lại đúng lúc.

Thực ra, hiểu biết- khôn ngoan- sáng suốt đều có giá trị và vị trí trong cuộc đời mỗi người. Khó khăn nhất là nhiều người còn chưa nhận thấy điểm khác biệt giữa 3 từ này, hiểu và áp dụng còn theo kiểu là có thể thay thế cho nhau. Có lẽ, trước khi nắm bắt một điều gì đó, ta cần phải khách quan và thật tỉnh táo để hiểu thấu đáo mọi nguồn cơn. Khi đứng trước một thông tin, ta chú ý sàng lọc kỹ lưỡng và nắm rõ cốt lõi của thông tin đó, nhằm nhận ra ý nghĩa và mối liên hệ với chuỗi sự kiện mà ta vừa biết, để đánh giá và xử lý một cách hoàn chỉnh và tốt nhất. Đó mới chính là sự sáng suốt vậy…

Câu danh ngôn bất hủ của Triết gia Hy Lạp Aristoteles hẳn nhiều người đã từng biết là: “Người sáng suốt lên tiếng khi họ có điều cần nói. Kẻ khờ lên tiếng bởi vì họ phải nói bất kỳ điều gì đó”.