Sáu Lang và con đường xây dựng thương hiệu nho giống

(NTO) “Cây nho với tôi không chỉ là sự nghiệp, mà còn là niềm đam mê”-đó là tâm sự của ông Nguyễn Thường Lang (khu phố 2, phường Mỹ Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), một doanh nhân “chân đất” làm giàu từ nghề ươm nho giống. Có lẽ chính tình yêu, niềm say mê đối với cây nho đã giúp cho ông từ một nông dân trở thành doanh nhân thành đạt. Thương hiệu Nho giống “Sáu Lang” không chỉ được khách hàng trong nước, mà cả nước ngoài biết đến.

 
Ông Nguyễn Thường Lang chăm sóc nho kiểng. Ảnh: Sơn Ngọc

Đối với bà con trồng nho Ninh Thuận, tên “Sáu Lang” đã quá đỗi thân quen. Chính người nông dân chân chất, bình dị này là người đi tiên phong, có công lớn đưa phương pháp trồng nho theo công nghệ cấy ghép cành trên thân nho dại, góp phần giúp cây nho Ninh Thuận vượt qua thời kỳ suy thoái. Kể về con đường xây dựng thương hiệu của mình, ông chia sẻ: Tôi nghĩ sự thành công không chỉ nhờ vào sự quyết tâm, nỗ lực, mà còn có một cái duyên, sự may mắn. Khoảng 15 năm trước, do sâu bệnh, đất đai thoái hóa, giá cả bấp bênh, cây nho không còn cho hiệu quả kinh tế, gia đình tôi cũng như bao nông dân trồng nho khác rơi vào bế tắc. Không đầu hàng hoàn cảnh, tôi lân la tìm tòi và may mắn học hỏi được công nghệ cấy ghép cành nho trên thân nho dại. Sau thời gian thử nghiệm, nhận thấy phương pháp trồng nho mới này có nhiều ưu điểm như giúp cây nho có sức đề kháng tốt, giảm bớt sâu bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tôi bàn bạc với gia đình gom toàn bộ vốn liếng thành lập Trại ươm nho giống, với diện tích 6 sào, lấy tên “Sáu Lang”, chuyên cung cấp giống cây nho dại Couderc. Thời gian đầu, do bà con mình còn tâm lý lo sợ thất bại như những mùa nho trước nên nho giống sản xuất ra ế… Không nản chí, tôi đến tận các hộ trồng nho giới thiệu “sản phẩm”, phân tích cho bà con những ưu điểm của kỹ thuật mới. Đối với các hộ mua cây giống, tôi trực tiếp đến vườn hướng dẫn chi tiết từ khâu xuống giống cho đến kỹ thuật ghép cành, chăm sóc… Vài hộ trồng thành công, nhiều hộ khác đến tìm hiểu, mua cây giống và học tập kỹ thuật. Dần dần, công nghệ trồng nho theo phương pháp ghép cành được ứng dụng trong toàn tỉnh.

Để giữ vững và phát triển thương hiệu, ngoài mở rộng diện tích trại giống đáp ứng nhu cầu của khách hàng, năm 2014, ông đầu tư gần 1 tỷ đồng thực hiện quy trình ươm cây giống theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm cây giống có chất lượng tốt cho bà con. Nhờ đó, trại ươm của ông ngày càng tạo được uy tín, tiêu thụ nhanh, doanh thu, lợi nhuận ngày càng tăng. Hiện nay, ông đã thành lập 2 trại nho giống, một tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận) và một tại Ninh Thuận, với tổng diện tích gần 4ha, cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu cây giống/năm, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Vừa qua, ông còn ký kết hợp đồng với một doanh nghiệp tại Campuchia cung cấp nho giống và chuyển giao kỹ thuật trồng nho trên diện tích 30ha.

Những năm gần đây, trại nho giống của ông còn phát triển kinh doanh nho kiểng, tạo thêm khoản thu nhập khá. Ông cho biết: Trong những lần đến chuyển giao kỹ thuật cho bà con, thấy nhiều gốc nho từ 8-10 năm tuổi bị nhổ lên vứt đi để trồng lại nho tơ. Gốc nho lâu năm rễ rất đẹp, vẫn còn khả năng sinh trưởng tốt và cho ra trái, nếu trồng làm giàn lấy bóng mát hay đưa vào chậu uốn cành thành nho kiểng rất đẹp và độc đáo. Vậy là tôi xin đem về, xử lý sâu bệnh, đưa vào chậu làm nho kiểng. Công việc kinh doanh nho kiểng bắt đầu từ đó, ngày càng phát triển. Hàng năm, ông xuất đi khoảng 10.000 gốc nho kiểng, chủ yếu cho khách hàng ngoài tỉnh, thu về lợi nhuận trên 300 triệu đồng/năm.

Được biết, sản phẩm do ông giới thiệu, quảng bá tại Lễ hội Nho và Vang-Ninh Thuận 2016 cũng chính là nho kiểng. Sản phẩm nho kiểng sẽ được trưng bày, giới thiệu tại tất cả các gian hàng giới thiệu các sản phẩm từ nho của các doanh nghiệp trong tỉnh. Hy vọng rằng qua lễ hội, cùng với sản phẩm nho, các doanh nghiệp tỉnh nhà, thương hiệu Nho giống, nho kiểng “Sáu Lang” sẽ được thêm nhiều khách hàng biết đến, chắp cánh bay xa.