Để trẻ em có mùa hè đúng nghĩa

(NTO) Một năm học cũ vừa khép lại, mở ra kỳ nghỉ nghỉ hè rộn rã cho các em thiếu nhi. Sau quãng thời gian học hành chăm chỉ, đây là dịp để các em được tận hưởng những hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh, vừa thư giãn, vừa rèn luyện kỹ năng sống cho bản thân.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian nhiều bậc phụ huynh “đau đầu” với việc chăm sóc con cái, bởi trong khi các em nghỉ học thì phụ huynh vẫn phải làm việc, thời gian dành cho con gần như không thu xếp được nhiều hơn, mà nhu cầu được chăm sóc, vui chơi, giải trí… của các em vẫn tăng theo xu hướng ngày càng cao và đa dạng. Để giải quyết vấn đề này, đa số phụ huynh lựa chọn giải pháp đưa trẻ đến các lớp học thêm để vừa “giúp con” học tập kiến thức lớp sắp đến, vừa có người “trông con” hộ, mặc cho dư luận xã hội nhiều năm qua không ít lần lên tiếng phản đối “học kỳ 3” này và chính bản thân bậc phụ huynh cũng không mặn mà cho con đi học hè. Thế nhưng, biết làm sao khi gần như ngoài các lớp học thêm, phụ huynh không thể kiếm đâu ra sân chơi nào khác đảm bảo an toàn và lành mạnh cho trẻ trong suốt kỳ nghỉ hè.

Ảnh minh họa.

Có thể nói, nỗi lo của phụ huynh trong dịp hè khá lớn: Lo tìm chỗ gửi tạm, học tạm cho con trong kỳ nghỉ hè; tìm nơi cho con chơi một cách vui tươi, ý nghĩa; quản lý con ra sao cho an toàn, lành mạnh… Những nỗi lo ấy hết sức chính đáng và thiết thực, bởi thực tế cho thấy chính trong dịp hè, những chuyện không vui xảy ra với trẻ em luôn chiếm tỷ lệ cao. Trong đó, phổ biến nhất là do thiếu nơi vui chơi, giải trí lành mạnh (hoặc quá đơn điệu, tẻ nhạt), lại không được quản lý chặt, định hướng tốt nên nhiều em bị dẫn dụ, sa đà vào các trò chơi bạo lực, game trực tuyến… Đặc biệt, gần đây nổi lên tình trạng tai nạn thương tâm ở trẻ em, nhất là tai nạn đuối nước.

Tháng 6 được chọn là Tháng hành động vì trẻ em. Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay là “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em”. Đây là đợt tuyên truyền sâu rộng, vận động đông đảo phụ huynh, gia đình và toàn xã hội cùng chung tay chăm sóc và bảo vệ trẻ em trước những tai nạn thương tích có nguy cơ xảy đến, tạo lập cuộc sống an toàn, vui tươi, ý nghĩa cho trẻ. Muốn vậy, từng gia đình cần chủ động sắp xếp, chăm nom, giáo dục, tạo điều kiện cho trẻ trau dồi thêm nhiều kỹ năng sống, rèn luyện thể chất và tâm hồn, đặc biệt là những kỹ năng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích, qua đó giúp trẻ thêm tự tin, biết tự bảo vệ bản thân trước những nguy cơ tai nạn thương tích có thể xảy đến. Dưới góc độ xã hội, chính quyền, đoàn thể các cấp… cần năng động, sáng tạo hơn trong việc tạo ra các sân chơi bổ ích, thiết thực, đủ sức thu hút các em trong mùa hè. Trong đó, việc xã hội hóa, gắn tổ chức hoạt động với dịch vụ thu phí cũng là một hình thức huy động nhiều hơn các nguồn lực nhằm đa dạng hóa sân chơi.

Tin rằng, với những hành động và kế hoạch cụ thể từ gia đình và toàn xã hội sẽ giúp trẻ em tận hưởng một mùa hè sôi động, hấp dẫn, thú vị và ý nghĩa nhất.