Tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em

(NTO) Nghỉ hè là thời gian cho học sinh nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học tập. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm tai nạn đuối nước ở trẻ em thường gia tăng, khiến không ít phụ huynh lo lắng, quan tâm.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 298 vụ tai nạn thương tích trẻ em, làm chết 26 em, trong đó chết do đuối nước 17 em. Riêng trong 5 tháng năm 2016, có 3 em chết do đuối nước. Nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn đuối nước ở trẻ em là do các em không biết bơi, thiếu kỹ năng xử lý khi xảy ra tai nạn đuối nước; nhiều trẻ em thiếu không gian vui chơi dẫn đến việc ra sông, suối để tránh nóng. Mặt khác, môi trường sống quanh trẻ không đảm bảo an toàn như các ao hồ quanh nhà không có rào chắn, biển cảnh báo, biển cấm, ở xa khu dân cư, ít người qua lại nên khi trẻ rơi vào tình thế nguy hiểm không nhận được sự trợ giúp kịp thời của người lớn. Ngoài ra, sự thiếu quan tâm của phụ huynh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn thương tâm này. Do đó, để chủ động phòng, tránh tai nạn đuối nước cho trẻ em vào mùa hè, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình về công tác giáo dục, quản lý các em trong thời gian nghỉ hè. Đặc biệt, việc phụ huynh trang bị kỹ năng bơi lội, xử lý tình huống khi gặp đuối nước cho trẻ em là rất cần thiết.

 
Hồ bơi Thủy Nguyên nhận dạy bơi cho trẻ em trong dịp hè.

Hiện nay, đa số các bể bơi và khóa học bơi mới chỉ thu hút được thiếu nhi trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm tham gia, học sinh của các huyện do ở xa, phụ huynh không có điều kiện đưa đón nên rất ít em theo học được. Bên cạnh đó, việc dạy bơi và rèn luyện kỹ năng phòng, tránh đuối nước miễn phí cho trẻ em chưa được triển khai thường xuyên. Hơn 8 năm nhận dạy bơi, anh Nguyễn Văn An, nhân viên cứu hộ và dạy bơi ở hồ bơi Thủy Nguyên, chia sẻ: Với một khóa bơi trong thời gian 1 tháng, các em được hướng dẫn những kỹ thuật cơ bản của môn bơi, động tác đạp chân, lặn, thả nổi người trên mặt nước, kỹ thuật bơi trườn sấp... Mỗi khóa có 12 buổi học, học phí 600.000 đồng/tháng. Số lượng đăng ký học bơi vào mùa hè thường tăng so với các thời điểm khác trong năm. Mùa hè năm 2015, tôi nhận trên 200 em đến học bơi, năm nay mặc dù mới mở lớp nhưng cũng có trên 50 em đến đăng ký học. Nhìn chung, phụ huynh ngày càng ý thức hơn về việc trang bị kỹ năng bơi cho con em mình nhưng do học phí mỗi khóa học còn khá cao nên đa số những gia đình có điều kiện kinh tế mới cho con học bơi. Còn khi liên hệ dạy bơi cho học sinh các trường, Ban giám hiệu tỏ ra không mặn mà lắm. Thực tế, điều kiện cơ sở vật chất của các trường chưa đủ để đưa môn bơi lội vào chương trình giáo dục thể chất. Ngay những khóa dạy bơi cho các em vào dịp hè cũng trở nên “bất khả thi” vì lý do kinh phí và địa điểm học.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Để hạn chế thấp nhất tình trạng đuối nước ở trẻ em, cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em như: Phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ và chính các em thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Ngoài ra, triển khai chương trình dạy bơi cho trẻ, dạy kỹ năng sống và kỹ năng an toàn dưới nước, từng bước đưa môn bơi an toàn vào trong trường học một cách rộng rãi, đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy bơi, khuyến khích các em tham gia sinh hoạt các hoạt động tập thể lành mạnh, giảm thiểu các nguy cơ tai nạn thương tích và tai nạn đuối nước. Mặt khác, tăng cường các hoạt động cải tạo môi trường, loại bỏ nguy cơ gây đuối nước ở trẻ em như: cắm biển báo, làm hàng rào ở những công trình xây dựng, những nơi sông nước nguy hiểm...

Phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng một cá nhân, một cơ quan, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Chính sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và chính quyền, đoàn thể các cấp sẽ là yếu tố quan trọng góp phần hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ em.