Vấn đề hôm nay:

Giảm mối lo thực phẩm không an toàn!

(NTO) Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại được nhiều người quan tâm như hiện nay, bởi trên thực tế không ít người luôn trong tâm trạng lo ngại thực phẩm bẩn “bủa vây” trong cuộc sống thường nhật từ thịt, cá cho đến rau xanh các loại. Câu “đói ăn rau…” xem ra không còn ứng nghiệm trong thực tế vì ăn nhiều rau cũng có nguy cơ bị…ngộ độc!. Để cảnh báo người tiêu dùng, nhất là trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay, vừa qua cơ quan chức năng tiếp tục công bố những “điểm đen” về an toàn thực phẩm mà đứng đầu danh sách các “điểm đen” vi phạm là nhóm thực phẩm tươi sống chiếm tới 58%. Tiếp theo đó là nhóm dịch vụ, nhà hàng ăn uống với 17%, đứng thứ 3 là nhóm thực phẩm chế biến với 15%... Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cũng chính thức công bố 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát ATTP theo chuỗi triển khai đợt cao điểm năm vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo kết quả trên, các tỉnh lân cận tỉnh ta như Khánh Hòa có 2 điểm, Lâm Đồng 3 điểm, Bình Thuận có đến 5 điểm với gần 20 cơ sở được công nhận sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, thủy sản sạch. Tỉnh ta tuy chưa có cơ sở nào được công bố nhưng như vậy cũng không có nghĩa là thực phẩm bày bán trên thị trường là…không sạch. Chỉ có điều nếu làm tốt sẽ tạo điều kiện để nhân rộng sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn “sạch” hiện một số địa phương đã và đang thực hiện. Đây cũng là cơ hội để quảng bá các sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh với người tiêu dùng trong cả nước.

Người tiêu dùng lựa chọn mua rau xanh tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Tháng hành động vì ATTP năm nay có chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Đặt ra vấn đề trên để thấy rằng, mặc dù công tác bảo đảm ATTP, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp luôn được quan tâm và đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông, buôn bán và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo ATTP vẫn còn bức xúc nổi cộm khi việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa triệt để, tỷ lệ mẫu rau chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn cao, tình trạng lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi thủy sản ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng…Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 cần tập trung giải quyết vấn đề ATTP một cách căn cơ, từ gốc: bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn, đồng thời tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, tập trung tạo đột phá, chuyển biến ở 4 lĩnh vực chính: chất cấm trong chăn nuôi; hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản; thuốc BVTV và phân bón hữu cơ, phân bón khác...

Để thực hiện đạt yêu cầu đã nêu, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của UBND các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, trách nhiệm của cộng đồng bao gồm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh ATTP, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm ATTP tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, nhập khẩu, lưu thông, buôn bán thực phẩm, đặc biệt là các chợ đầu mối, cung ứng rau, thịt, nông sản. Giảm thiểu ngộ độc thực phẩm từ rau, thịt mất ATTP...

Theo kế hoạch, tỉnh ta thành lập đoàn kiểm tra tại 3 huyện, thành phố (Ninh Hải, Ninh Sơn, Phan Rang-Tháp Chàm) và 3 xã, phường thuộc các địa phương nêu trên, dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 20-5. Hy vọng rằng, qua tháng cao điểm “Hành động vì ATTP” sẽ tạo chuyển biến tích cực và giúp người tiêu dùng giảm được mối lo thực phẩm không an toàn.