Từ 13h ngày 16/5, mưa khá lớn và kéo dài hơn 2 giờ ở TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng khiến cho người dân vui mừng vì nhiệt độ giảm mạnh (giảm hơn 7 độ C so với hôm qua) sau nhiều tháng nắng hạn. Thị xã Vĩnh Châu, Ngã Năm và huyện Thạnh Trị cũng có mưa lớn, giúp hàng nghìn ha hoa màu có nước tưới.
Mưa khá lớn và kéo dài hơn 2 giờ ở TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Zing.vn.
Một ngày trước, mưa cũng xuất hiện ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), TP. Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu), thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) và các huyện của Kiên Giang.
Đây là những cơn mưa đầu mùa sau khi có vài cơn mưa chuyển mùa ở diện hẹp, giúp nước trong ao bớt mặn, nên người dân bắt đầu thả giống cho vụ tôm mới.
Một số xã ở huyện Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm của tỉnh Sóc Trăng, nông dân bắt đầu làm đất để gieo sạ lúa.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong 2-3 ngày tới, tại khu vực Nam Bộ, chiều tối và đêm sẽ có mưa rào và dông rải rác, lượng mưa 40-70 mm, có nơi cao hơn.
Khu vực thượng lưu sông Mekong chiều tối có mưa vài nơi, lượng mưa 40-70 mm; vùng hạ lưu sông Mekong lượng mưa 40-70 mm.
Do có mưa, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi theo triều. Dự báo, lưu lượng tại Tân Châu và Châu Đốc ít biến đổi. Lưu lượng trung bình ngày tại Tân Châu dao động trong khoảng 2.200-3.000 m3/giây, Châu Đốc khoảng 400-600 m3/giây.
Mực nước cao nhất tại Tân Châu ở mức là 0,9 m; tại Châu Đốc 1,05 m, ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2015 từ 0,15-0,25 m. Mực nước triều cao nhất tại 3 trạm Sài Gòn, Định An và Vũng Tàu đều có xu thế giảm.
Không chỉ ở miền Tây, cơn mưa lớn kéo dài hơn hai giờ tại Quảng Ngãi chiều 13/5 đã làm hoa màu, cây cối được giải cơn khát. Mưa cũng đã giúp giảm khả năng nguy cơ cháy cho hàng trăm ha rừng và góp phần làm giảm sự bốc hơi nước ở các hệ thống ao, hồ trên địa bàn tỉnh.
Hạn, mặn tiếp tục gây ảnh hưởng đến nhiều tỉnh
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, hiện nay, tại khu vực Nam Trung Bộ, gần 23.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất vụ Đông Xuân, 3.953 ha bị ảnh hưởng do thiếu nước tưới. Dự kiến, hạn hán sẽ tiếp tục kéo dài đến vụ Hè Thu 2016 với khoảng 57.000 ha đất lúa sẽ phải dừng sản xuất.
Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tổng diện tích đất sản xuất bị hạn, thiếu nước tưới là hơn 11.000 ha, trong đó gần 3.000 ha phải dừng sản xuất. Khu vực ĐBSCL có 230.586 ha lúa Đông Xuân và Hè Thu bị thiệt hại.
Tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, hạn hán, xâm nhập mặn đã làm 312.820 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Ước tính tổng thiệt hại 8.918 tỷ đồng.
Các hồ chứa thủy lợi chỉ đạt khoảng 51% dung tích thiết kế
Theo Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn đập (Tổng cục Thủy lợi), dung tích các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn trên toàn quốc trung bình đạt khoảng 51% dung tích thiết kế. Trong đó, dung tích trung bình các hồ khu vực Bắc Bộ đạt 56%, Bắc Trung Bộ đạt 63%, Nam Trung Bộ đạt 50%, Tây Nguyên đạt 32%, Đông Nam Bộ đạt 27%.
Một số hồ chứa vừa và lớn thuộc khu vực Trung Bộ vẫn có dung tích trữ thấp.
15 tỉnh đang ở cấp báo cháy rừng cực kỳ nguy hiểm
Theo Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước có 15 tỉnh là An Giang, Bình Định, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Cà Mau, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Gia Lai, Khánh Hòa, Long An, Ninh Thuận, Phú Yên, Tây Ninh và Đà Nẵng đang ở cấp báo cháy rừng cực kỳ nguy hiểm (cấp V).
Cục Kiểm lâm yêu cầu UBND các cấp và chủ rừng thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
Nguồn www.chinhphu.vn