Chuyện "họ đỗ"

(NTO) Này, ông có biết “Họ đỗ” không?-anh bạn sau chuyến đi học tập kinh nghiệm tại miền Trung về hỏi. Nghe không đủ đầu, đuôi, tôi trả lời: Có thế mà cũng hỏi, muốn đầy đủ sáng mai ông tới chợ đầu mối hỏi chủ vựa khắc biết đầy đủ 1.001 họ đỗ. Nói rồi tôi như thấy mình khựng lại.

Cũng may, hắn không trách móc mà còn vui vẻ giảng giải: Đỗ là danh từ phổ thông dùng chỉ các loại hạt họ đậu, còn người miền Trung trở vô gọi chệch từ đỗ thành đổ, “họ đỗ” chính là… đổ lỗi cho người khác. Bỗng dưng có chuyện hay để nghe, tôi khơi mào: Đúng là đi ngày đàng học sàng khôn, ông nên phổ biến rộng rãi để mọi người cùng biết.

Bằng chất giọng ấm trầm, anh chậm rãi kể câu chuyện mình thu thập được qua chuyến đi. Bên lề cuộc họp trao đổi học tập, cô làm cán bộ tổ chức thổ lộ: Làm công tác như em khổ lắm, nhất là việc giải quyết chuyện của mấy anh “họ đỗ” (họ đổ)… Đấy anh xem, có thủ trưởng đơn vị sự nghiệp, đánh giá xếp loại viên chức trực thuộc toàn loại B, C, nhưng bản thân lại xếp loại A. Quy định rành rành: Tập thể xếp loại gì thì người đứng đầu xếp loại đó, nhưng không chịu nghiên cứu để rồi đổ lỗi cho cơ quan tổ chức không hướng dẫn cụ thể. Thôi thì mấy ông sự nghiệp thường chú trọng về nhiệm vụ chuyên môn, nay theo quy chế mới đánh giá cán bộ, viên chức, họ chưa rành còn thông cảm được. Thế nhưng, chuyện cơ quan nhiệm vụ chuyên môn chưa hoàn thành mà lãnh đạo lại đạt xuất sắc mới khó xử. Sếp trưởng đi học tập trung, sếp phó được ủy quyền điều hành toàn bộ hoạt động cơ quan, nhiệm vụ trọng tâm không hoàn thành, báo cáo kết quả đánh giá phân loại công chức gửi về trên 100% hoàn thành xuất sắc. Cấp trên phát hiện yêu cầu giải trình, sếp phó báo cáo nghiệp vụ do sếp trưởng trực tiếp phụ trách (!?) và quyết… giữ xuất sắc. Thế rồi điện thoại, đơn thư phản ánh của công chức gửi đến cơ quan tổ chức để giải quyết. Mấy cái chuyện bên lề như thế này nhưng phức tạp mà chẳng có trường lớp nào dạy cách thức giải quyết, vừa mất thời gian lại dễ stress do căng thẳng. Sơ sơ vài chuyện nho nhỏ để anh biết cánh “họ đỗ” thời nay thế nào.

Nghe anh kể cứ như chuyện tiếu lâm, bởi quê mình có những lãnh đạo làm việc hết sức năng động, hiệu quả, nhưng đội ngũ công chức, viên chức chưa theo kịp cơ chế làm việc mới, có tập thể trực thuộc hiệu quả công việc chưa cao, chưa bảo đảm thời gian quy định, bản thân thủ trưởng tự xếp loại C. Chính sự nghiêm túc dám nhận trách nhiệm của thủ trưởng đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong công chức, viên chức, người lao động về việc tự đánh giá mình. Và chỉ sau thời gian hơn một năm hoạt động, chất lượng công tác của từng tập thể, cá nhân được nâng lên, hiệu quả điều hành, quản lý của lãnh đạo được tăng cường. Ngành của anh đang là điểm sáng của tỉnh về cải cách hành chính, mà con người chính là khâu đột phá tạo nên thành công. Tuy vậy, ở đâu đó trong mỗi cơ quan, đơn vị vẫn tồn tại những cá nhân “họ đỗ”, thành tích thì họ cho là của mình, còn khuyết điểm, yếu kém thì khéo léo tìm mọi cách đổ cho khách quan, cho người khác. Cơ quan, đơn vị mà có nhiều người “họ đỗ” thì hiệu quả, hiệu lực yếu kém sẽ là chuyện bình thường. Thế nên để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác của cơ quan, đơn vị rất cần có cơ chế tinh giản những cá nhân “họ đỗ” như trên. Đó là việc làm khó khăn cần quyết tâm cao của người đứng đầu và sự đồng thuận của tập thể, nhưng không có gì là không thể.