Bữa ăn thiếu chất dinh dưỡng
Xã vùng cao Phước Kháng (Thuận Bắc) là địa phương có trên 90% đồng bào dân tộc Raglai, chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, cuộc sống vốn đã khó khăn, gần 2 năm nay, tình hình hạn hán kéo dài, đời sống của bà con lại càng khó khăn hơn. Không có nước sản xuất, nhiều nông dân, phụ nữ bỏ ruộng đi làm thuê. Hầu hết các gia đình vào ban ngày chỉ có trẻ em, người cao tuổi ở nhà; nhiều trẻ phải tự lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD khá cao, chiếm 27,7%.
Cán bộ Trạm Y tế xã Phước Thuận (NInh Phước) cho trẻ uống Vitamin A, góp phần bổ sung vi chất
và giảm suy dinh dưỡng cho trẻ em.
Tại xã Ma Nới (Ninh Sơn), cũng là địa phương trên 90% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, có đến 35,1% trẻ dưới 5 tuổi bị SDD. Chị Trần Thị Kim Dung, Trưởng Trạm Y tế xã Ma Nới, cho biết: Lo việc đồng áng, việc rẫy nên việc chăm lo bữa ăn cho con cái chưa được bà con quan tâm đúng mức. Hơn nữa nhận thức và kiến thức chăm sóc trẻ của nhiều bậc phụ huynh còn rất hạn chế. Bữa ăn của đa số hộ dân và con em họ hầu như không đủ 4 nhóm chất, chủ yếu là cơm, rau, còn nhóm thực phẩm giàu chất đạm, chất béo như thịt, cá rất nghèo nàn, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ SDD ở địa phương cao.
Thực tế cho thấy, trẻ em SDD chủ yếu tập trung ở các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những vùng kinh tế còn khó khăn; nhận thức và kiến thức chăm sóc trẻ của nhiều bậc phụ huynh còn hạn chế. Các địa phương có tỷ lệ trẻ SDD cao đó là Ninh Sơn 18,6%, Thuận Bắc 19,8%, Bác Ái 29%.
Kinh phí phòng, chống SDD
Những năm qua, kinh phí cho công tác phòng chống SDD trẻ em từ 2 nguồn: Chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 150 triệu đồng/năm) và nguồn ngân sách của tỉnh (khoảng 200 triệu đồng/năm). Nguồn kinh phí này được sử dụng để thanh toán phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên dân số tại các thôn, các hoạt động tuyên truyền, mua nguyên-vật liệu phục vụ các buổi hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho người dân, các đợt cân đo, kiểm tra, đánh giá thể trạng của trẻ… Tuy nhiên, từ đầu năm 2016, nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu bị cắt nên tần suất, số lượng các hoạt động tuyên truyền cũng giảm theo. Ông Huỳnh Thăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh cho biết: Hằng năm, nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đủ chi trả phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở. Tỉnh đề ra mục tiêu hàng năm có khoảng 85% bà mẹ tham gia các buổi tuyên truyền, hướng dẫn thực hành, được cung cấp kiến thức dinh dưỡng, tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên những năm qua, con số này chỉ đạt được từ 20-30%. Trong khi đó, để thay đổi từ nhận thức đến hành vi của người dân là một quá trình lâu dài, cần phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục, nhất là với các bà mẹ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mặt bằng dân trí còn thấp. Nay nguồn kinh phí bị cắt, nên các hoạt động cho công tác này chắc chắn cũng sẽ giảm, khó có thể thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân quan trọng khác đó là mặc dù mỗi thôn đều có 1 cộng tác viên dinh dưỡng, tuy nhiên do mức phụ cấp quá thấp, 50.000 đồng/người/tháng, nên rất nhiều cộng tác viên không nhiệt tình, mặn mà với công việc. Bên cạnh đó, lâu nay các hoạt động trong chương trình phòng chống SDD trẻ em dưới 5 tuổi chủ yếu do ngành Y tế thực hiện, chưa có sự chung tay vào cuộc tích cực từ phía chính quyền địa phương, đoàn thể… Do đó, hiệu quả tuyên truyền, vận động tại cơ sở không đạt như mong muốn.
Như vậy, để khắc phục những khó khăn trên, ngoài các giải pháp giúp người dân nâng cao thu nhập, mức sống để có điều kiện cho con em mình ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, rất cần sự quan tâm, vào cuộc từ phía chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể, đưa nội dung tuyên truyền phòng chống SDD trẻ em lồng ghép vào chương trình công tác của cơ quan, đơn vị, tổ chức, giúp người dân nâng cao, thay đổi nhận thức, hành động về phòng chống SDD cho con em mình. Ngoài ra, cần đầu tư phát triển, nâng cấp mạng lưới giáo dục mầm non bán trú, nhất là ở địa phương vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế còn khó khăn, bởi thực tế cho thấy ở rất nhiều địa phương hầu hết trẻ SDD đều rơi vào trường hợp không được đi học, không được ăn bán trú tại trường; thực hiện các chính sách an sinh xã hội để trẻ em có điều kiện sống tốt hơn như về nước sạch, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe... Tỉnh, chính quyền các địa phương cũng cần cân nhắc đầu tư thêm nguồn kinh phí cho công tác này… nhằm hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD xuống còn 17% vào cuối năm nay và 13% vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.
Uyên Thu